Phó Chủ tịch Quốc hội: Tổng Liên đoàn Lao động không nên “ôm” làm NOXH
Nhật Di 10:30 | 26/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Nêu ý kiến về đề xuất làm nhà ở xã hội của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng Tổng liên đoàn nên làm đúng chức năng của của tổ chức chính trị – xã hội.
Chiều 25/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội , nhà lưu trú công nhân, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến.
Trong đó, nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn. Làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp.
Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở này.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Các ý kiến cho rằng đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.
“Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật”, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết.
Góp ý tại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói “không đồng tình” việc này. Ông đề nghị nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chính trị này.
“Tổ chức chính trị xã hội không nên ‘ôm’ việc này vì không khéo không hoàn thành nhiệm vụ, coi chừng cán bộ vi phạm”, ông nói, và thêm rằng, Tổng liên đoàn lao động nên làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình là giám sát, phản biện xã hội, và tham mưu chính sách công nhân. Việc đầu tư nhà ở xã hội nên giao cho cơ quan hành chính, như UBND cấp tỉnh.
Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình không nên giao Tổng liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc, ngay việc làm để cho thuê như đề xuất của Tổng liên đoàn cũng cần có đánh giá tác động toàn diện.
Tham gia ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hỏi “Tổng liên đoàn có quyết tâm thực hiện việc này hay không?”. Ông cho rằng, nếu Tổng liên đoàn quyết làm thì cần chỉnh lý lại quy định tại dự thảo luật để không vênh với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Tức có thể thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng sản xuất kinh doanh để đầu tư, chứ Tổng liên đoàn không trực tiếp làm chủ đầu tư.
Nêu thực tế nhu cầu nhà ở hiện rất lớn trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước có hạn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động nói, tổ chức này có đủ cơ sở lý luận, thực tiễn, nguồn lực nếu được triển khai làm nhà ở xã hội.
“Tổng liên đoàn xác định khi tham gia chỉ đầu tư có tính tượng trưng, vì kinh phí công đoàn cũng hạn chế, khoảng 5.600 tỷ đồng tính tới cuối 2021. Nhưng chúng tôi vẫn muốn được làm để có thể khẳng định với công đoàn viên, người lao động rằng họ sẽ có cơ hội thuê nhà giá phù hợp khi tham gia công đoàn”, ông Hiểu nói.
Ngoài ra, hiện đã có một số dự án nhà ở công nhân tại các địa phương được tổ chức này đầu tư theo Quyết định 655 của Thủ tướng, như tại Đồng Văn (Hà Nam) với 244 căn hộ, vận hành tốt. Người lao động rất mong chờ mô hình này, nhiều địa phương cũng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giới thiệu quỹ đất cho Tổng liên đoàn.
“Chúng tôi hoàn toàn thấy đủ niềm tin, cơ sở để luật hoá quy định này vào Luật Nhà ở”, ông Hiểu bày tỏ, và nói thêm sẽ cùng Bộ Xây dựng, Ủy ban Pháp luật xử lý các điều khoản để đảm bảo tính khả thi.
Liên quan đến vấn đề đất để xây dựng nhà ở xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất 02 phương án. Phương án 1, giữ quy định như hiện hành và cũng được đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra chọn. Tức chủ đầu tư làm dự án thương mại tại đô thị đặc biệt, loại I, II và III sẽ phải dành quỹ đất trong dự án làm nhà ở xã hội, hoặc dùng quỹ đất ở vị trí khác, hay góp bằng tiền. Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, từng giai đoạn. Với đô thị bình thường, UBND cấp tỉnh đưa ra tiêu chí với chủ đầu tư.
Phương án 2, giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, là chủ đầu tư không phải có trách nhiệm làm nhà ở xã hội, mà do UBND tỉnh đảm trách. Đây là phương án Bộ Xây dựng – cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật, cơ quan này cho biết, sau chỉnh lý, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bỏ quy định cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư là ngành kinh doanh có điều kiện.
Bởi, dự luật do Chính phủ trình không đề xuất đây là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, không đề nghị sửa Luật Đầu tư để bổ sung là “có điều kiện”. Bỏ quy định này, theo cơ quan thẩm tra sẽ đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.