Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Ngọc Bảo 07:47 | 18/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Chia sẻ
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với gần 89% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, xác định mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt từ 6,5 – 7%.
Mục tiêu phù hợp
Nhìn nhận về kết quả kinh tế từ đầu năm đến nay, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng sau ba quý đầu năm, kể cả chịu những tác động rất tiêu cực của cơn bão số 3 (Yagi), kinh tế trong nước vẫn có sự phục hồi rõ nét và có thể vượt được mục tiêu GDP ở cận trên Quốc hội đề ra là 6,5%, thậm chí nhiều khả năng đạt được 7%.
Sang 2025, về mặt tinh thần, cả Quốc hội và Chính phủ đều xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích và phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu GDP bình quân 6,5% cho cả giai đoạn thì năm tới con số này phải ở mức 9% là rất khó khăn và không thể thực hiện được.
Do đó, tại thời điểm này, Quốc hội và Chính phủ cũng xác định sẽ không bằng mọi giá để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 5 năm, mà quan trọng hơn là cùng với giữ được đà phục hồi kinh tế thì phải tạo ra được những nền tảng tốt nhất để có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong giải đoạn tới.
Những nền tảng này không chỉ là sửa đổi hoàn thiện khuổn khổ pháp lý đã có mà sẽ phải xây dựng những khuôn khổ mới để phù hợp với xu thế và cơ hội mới như liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dịch chuyển của lao động có kĩ năng, thậm chí là cải tổ bộ máy quản lý nhà nước,…đang là yêu cầu bức thiết.
“Vì vậy, việc đặt ra mục tiêu 6,5-7% là vừa phải, nếu có điều kiện thì sẽ phấn đấu cao hơn”, ông Thành nhìn nhận.
Đồng tình với quan điểm này, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động do cơ bão Yagi song nền kinh tế của Việt Nam đã có bước phục hồi ngoạn mục.
Thời điểm hiện tại, cùng với các đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu của lĩnh vực sản xuất đang có những bước tăng trưởng rất tốt, thì nội lực cơ bản của kinh tế như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và du lịch dần lấy lại đà tăng trưởng. Theo đó, về cơ bản kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt GDP tới 7,2-7,3%.
Trên cơ sở này, ông Thịnh dự báo hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Cụ thể, ở điều kiện bình thường, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 6,8-7,3% với lạm phát ổn định trong khoảng 3,2-3,5%.
Còn trong điều kiện tích cực như nguyên nhiên vật liệu hạ giá, các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các cơ hội xuất ra thị trường thế giới, tình hình giao thương quốc tế thuận lợi thì Việt Nam hoàn toàn đạt được được ở mức tăng trưởng cao hơn 7,3-7,8%.
Vì vậy, ông Thịnh cho rằng, mục tiêu GDP 6,5-7% trong năm 2025 mà Chính phủ trình và Quốc hội thông qua là khá cẩn trọng.
“Có thể, 2025 là năm bản lề quan trọng chuẩn bị Đại hội Đảng, thay đổi nhân sự thì có những vấn đề cần thời gian ổn định. Do đó, Chính phủ đã có xem xét cẩn trọng các khía cạnh của nền kinh tế từ đó đề ra các kế hoạch đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất”, ông Thịnh lý giải.
Các yếu tố hỗ trợ
Phân tích về các yếu tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam, ông Thịnh cho rằng kinh tế thế giới đã phục hồi tốt hơn so với dự báo trước đó, lạm phát cũng đã giảm về gần mục tiêu mà nhiều Chính phủ đặt ra. Vì vậy, nhiều nước cũng đã hạ lãi suất cơ bản, như Mỹ hạ lãi suất liên tiếp hai lần về 4,5 – 4,75%, hay Liên minh châu Âu (EU) cũng ba lần hạ lãi suất trong năm về mức 3,25%.
“Việc lãi suất giảm đồng USD, EURO vẫn có xu hướng trong năm tới, đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu Mỹ, EU có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Thịnh nhìn nhận.
Đặc biệt, việc ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025 có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho thế giới ổn định hơn. Từ đó kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân các nước này tăng cao thì nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.
“Điều này sẽ làm cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ”, ông Thịnh kỳ vọng.
Ngay cả khi ông Donald Trump thực hiện lời hứa khi tranh cử là sử dụng thuế quan để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, với mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% đối với nhập khẩu từ các nước khác, vị chuyên gia này cũng cho rằng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh phụ kiện điện tử, máy tính, … vẫn có lợi thế khi có giá thành thấp hơn Trung Quốc, do đó có thể chiếm lĩnh một phần thị phần tại đây.
Cùng với đó, để tránh bị đánh thuế cao, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư và xây dựng nhà máy vào Việt Nam, sản xuất hàng hóa và xuất đi Mỹ. Do đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể trong năm 2025.
“Do chính sách đánh thuế cao vào Trung Quốc nên các doanh nghiệp lớn của Mỹ sản xuất bán dẫn, con chip cũng không muốn đầu tư vào thị trường này mà sẽ đẩy mạnh sang đến Việt Nam đầu tư – là những lĩnh vực mà chúng ta mong muốn phát triển và chuẩn bị sẵn sàng. Đây là cơ hội cho kinh tế trong nước tăng trưởng và phát triển”, ông Thịnh tin tưởng.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, nền kinh tế vẫn rất nhiều rủi ro do phụ thuộc vào khu vực FDI và cầu bên ngoài – những yếu tố không thể kiểm soát được. Trong khi, đầu tư công dù có nỗ lực nhưng không dễ vượt qua con số của năm ngoái; đầư tư tư nhân đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp; và mức tăng tiêu dùng đang chững lại.
Đặt trong bối cảnh đó, đây là thời điểm quan trọng để nhìn nhận đánh giá chính xác chất lượng của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam với nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với với con số gia nhập thị trường có độ chênh chưa nhiều.
“Cần có chính sách phù hợp để làm sao cộng đồng doanh nghiệp vừa vượt khó, vừa tận dụng được cơ hội và vừa bắt kịp được xu thế”, ông Thành nhấn mạnh.