Nhập siêu ‘bùng lại’, tỷ giá có bị ảnh hưởng?
Hạ An 10:49 | 27/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh, năm 2023 tỷ giá “may mắn” nhờ kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu xuống thấp, giúp có xuất siêu, song sang đến năm 2024, nhập siêu đang có dấu hiệu “bùng lại” áp lực lên tỷ giá chắc chắn sẽ gia tăng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 5, kim ngạch nhập khẩu bất ngờ tăng mạnh, tới 26% trong khi xuất khẩu giảm 8% so với nửa cuối tháng 4 khiến cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt tới 2,63 tỷ USD.
Tuy nhiên, do kết thúc tháng 4, Việt Nam xuất siêu tới hơn 9 tỷ USD nên luỹ kế từ đầu năm đến ngày 15/5/2024, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 6,36 tỷ USD.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 5/2024 tăng so với kỳ 2 tháng 4/2024 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 915 triệu USD, tương ứng tăng 25,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 542 triệu USD, tương ứng tăng 32,2%; vải các loại tăng 203 triệu USD, tương ứng tăng 33,2%…
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 10,77 tỷ USD, tăng 25,3% (tương ứng tăng 2,17 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 4/2024. Tính đến hết ngày 15/5/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 83,6 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng 10,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Giảm xuất siêu tiến tới nhập siêu
Có thể thấy, sau giai đoạn nhập khẩu suy giảm khiến Việt Nam thặng dư thương mại lớn bối cảnh thương mại đã có sự thay đổi. Các doanh nghiệp FDI gia tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu trở lại.
Đánh giá về xu hướng này, chuyên gia kinh tế – tài chính, sáng lập viên Think Future Consultancy Nguyễn Đức Hùng Linh dự báo gần như chắc chắn sắp tới thương mại là giảm xuất siêu hoặc quay trở lại xu hướng nhập siêu. Đặc biệt là còn đến 8 tháng nữa mới hết năm nên rất khó để giữ cán cân thương mại thặng dư lớn như năm 2023.
Phân tích về yếu tố tỷ giá, ông Linh cho biết năm 2023, tỷ giá “may mắn” nhờ kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu xuống thấp, giúp có xuất siêu. Từ đó, Việt Nam dư ngoại tệ và giữ được tỷ giá, không phải tăng lãi suất. Nhưng sang năm 2024, khi nhu cầu nhập khẩu đi lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, tạo áp lực lên tỷ giá.
“Hiện nay, mồi lửa nhập siêu đã bắt đầu bập bùng trở lại. Cung – cầu USD trên thị trường vì vậy vẫn căng. NHNN đã bán USD từ dự trữ nhưng rõ ràng lần này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng hơn, tránh hao tổn dự trữ nhanh như hồi 2022”, ông Linh nói.
Dẫn chứng lại giai đoạn cuối năm 2022, NHNN đã phải bán khoảng 20 tỷ USD để duy trì tỷ giá. Tuy nhiên, ông Linh cho rằng động thái này như “gió vào nhà trống” và không giải quyết được vấn đề. Đến cuối cùng, nhà điều hành vẫn phải đảo ngược chính sách tiền tệ và nâng lãi suất.
Năm 2022 bằng phát hành tín phiếu mà lãi suất VND đang thấp hơn đã tăng cao hơn USD. Nhưng năm nay rất khác. Lãi suất USD trên liên ngân hàng đang rất cao, trên 5% nên dù NHNN đã miệt mài hút thanh khoản, đẩy lãi suất OMO và tín phiếu thì hiện giờ lãi suất VND vẫn đang thấp hơn USD.
Mới đây, NHNN đã tăng lãi suất OMO từ 4,25% lên 4,5% và lãi suất tín phiếu từ 3,9% lên 4%. Mục đích tăng lãi suất cũng như hút thanh khoản không gì khác là để nâng mặt bằng lãi suất VND để cân lại với lãi suất USD, nhờ vậy mà hy vọng tăng cung USD.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất một cách nữa để góp phần bình ổn tỷ giá là NHNN hạ tỷ giá tham chiếu, kéo giá bán của ngân hàng thương mại xuống sát mức giá mua từ dự trữ, giảm mức sinh lời từ việc mua dự trữ để bán lại trên thị trường.
Vẫn còn dư địa để tăng lãi suất
Nhấn mạnh điều hành chính sách tiền tệ phải dựa trên động thái từ các ngân hàng trung ương lớn, TS. Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng trong ngắn hạn: “Nếu Fed thay đổi chính sách lãi suất vào kỳ họp tháng 6 thì chính sách tiền tệ của chúng ta phải thay đổi, còn nếu Fed giữ nguyên, chúng ta cũng phải có phương án ứng phó”.
Sự chênh lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ khiến tỷ giá căng thẳng, vì vậy, nếu Fed không hạ lãi suất, Việt Nam cầntăng lãi suất VND, tăng độ hấp dẫn của VND để neo tỷ giá. Trong vòng mấy tuần vừa qua, chỉ số USD Index có những biến động, chúng ta phải theo dõi liên tục bởi đây là vấn đề liên quan chặt chẽ đến kim ngạch xuất nhập khẩu và tỷ giá thanh toán.
“Nếu buông lỏng tỷ giá hoặc là Việt Nam sẽ nhập khẩu lạm phát hoặc sẽ bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu do giá cả hàng hoá bị đẩy lên cao khiến sức mua giảm sút. Và nếu chúng ta mở cửa thị trường vàng thì ngay lập tức sẽ xảy ra tình trạng thu gom USD lậu để đi nhập vàng, điều này dẫn đến tỷ giá lại càng tăng cao”, ông Kiên nói.
Tuy nhiên, vì mục tiêu giữ vững tăng trưởng nên Chính phủ sẽ hạn chế tối đa lãi suất cho vay ở mức thấp nhưng chấp nhận lãi suất huy động có thể nhích lên. Hiện lãi suất liên ngân hàng có nhích lên nhưng nếu so với mặt bằng của năm trước thì vẫn khá thấp. Do đó, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đánh giá vẫn còn dư địa để tăng lên.
https://www.facebook.com/v3.0/plugins/like.php?action=like&app_id=&channel=https%3A%2F%2Fstaticxx.facebook.com%2Fx%2Fconnect%2Fxd_arbiter%2F%3Fversion%3D46%23cb%3Df3b1d7519550df229%26domain%3Ddoanhnhanvn.vn%26is_canvas%3Dfalse%26origin%3Dhttps%253A%252F%252Fdoanhnhanvn.vn%252Ff2c5957037fda055f%26relation%3Dparent.parent&container_width=0&href=https%3A%2F%2Fdoanhnhanvn.vn%2Fnhap-sieu-bung-lai-ty-gia-co-bi-anh-huong.html&layout=button&locale=en_US&sdk=joey&share=true&size=small&width=