Nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ là cốt lõi cho phát triển kinh tế Việt Nam

Trang Mai 15:14 | 05/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Dù nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam duy trì ổn định trong thời gian qua, thế nhưng lại tập trung nhiều vào những ngành nghề như chế biến chế tạo, bất động sản,… Theo các chuyên gia, để kinh tế Việt Nam có thể “cất cánh” thì cốt lõi là chú trọng vào nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ.

Tổng vốn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 59% 

Theo nghiên cứu từ viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN công bố hồi tháng 10/2023, lũy kế hết năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân. 

 Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách,trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Trong đó, các dự án đầu tư FDI tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng vốn đăng ký đầu tư lũy kế tới hết năm 2022 ghi nhận là 261 tỷ USD, chiếm 59% trên tổng vốn đăng ký của cả nền kinh tế.

Đứng thứ hai là ngành liên quan tới hoạt động kinh doanh bất động sản. Tính tới năm 2022, tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong lĩnh vực này ghi nhận 66,4 tỷ USD, chiếm 15% trên tổng số. Các nhà đầu tư bất động sản lớn nhất chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực Châu Á như Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). 

Mặc dù số lượng dự án vào lĩnh vực bất động sản đang có xu hướng tăng nhanh và duy trì vị trí top 2 trong các ngành kinh tế có lượng FDI cao nhất tại Việt Nam nhưng khoảng cách về số lượng dự án và giá trị vốn đầu tư vẫn còn rất xa so với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Nhiều chuyên gia dự báo rằng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ còn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc thu hút FDI tại Việt Nam trong thời gian tới. Đây là nhóm ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lao động có việc làm của nước ta hiện nay, với 23% trên tổng cơ cấu toàn xã hội (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022). 

Theo nghiên cứu của viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, một số ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, và chỉ có một số ngành như da giày đã đạt được tỷ trọng công nghệ cao cấp hơn. Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ trung bình và cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm 30% trong tổng giá trị xuất khẩu, trong khi các nước trong khu vực là 80%, thấp như Philippines cũng chiếm 50%. Điều này cho thấy Việt Nam cần nỗ lực hơn để nâng cao trình độ công nghiệp hóa và chuyển giao công nghệ.

Việt Nam cần tập trung vào nhân lực chất lượng cao và công nghệ để “cất cánh”

Chia sẻ tại Tọa đàm liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội, GS TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đặt câu hỏi “Tại sao Hàn Quốc lại có thể trở thành “con hổ” Châu Á như vậy?

Các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Mai Trang

Nhận định từ trải nghiệm bản thân, vị giáo sư cho biết, từ những năm 60, Hàn Quốc cũng giống Việt Nam, bình quân thu nhập đầu người khoảng 200 USD/người/tháng. Sau đó, quốc gia này đã chọn công nghệ là hướng đi tập trung.

Trong những năm 1960 và 1970, các doanh nghiệp Hàn Quốc, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế, đã có được những công nghệ hoàn thiện từ các nước phát triển thông qua việc tiếp thu công nghệ nước ngoài “trọn gói” để sản xuất các sản phẩm tiêu chuẩn và được chuẩn hóa. Việc đổi mới công nghệ ở giai đoạn này chủ yếu là bắt chước sao chép thông qua giải mã các thiết bị nhập khẩu, sự di chuyển của nhân lực hoặc học hỏi thông qua sản xuất với các liên kết cùng với các công ty đa quốc gia dọc theo chuỗi cung ứng, trong đó hàng hóa tư bản nhập khẩu vượt xa các hàng hóa khác về mặt giá trị.

Điểm lại những doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, lĩnh vực chế biến chế tạo, bất động sản, những ngành có thể nói là “mì ăn liền”, “ăn xổi”, tận dụng lợi thế cạnh tranh về cơ sở vật chất, chính sách ưu đãi, đặc biệt là nguồn nhân công giá rẻ ở Việt Nam. Thời gian đầu, sự đầu tư này đã đóng góp tích cực trong GDP, tạo ra công ăn việc làm. Nhưng để phát triển về lâu dài thì phải có công nghệ cao. 

“Nhìn lại những đất nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), có thể nói họ có xuất phát điểm không hơn nhiều chúng ta so với 4-50 năm trước, nhưng hiện họ đã trở thành cường quốc nhờ chính nguồn nhân lực và khoa học công nghệ. Việt Nam muốn cất cánh thì xem nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ là “chiếc đũa thần” mới tạo ra những động lực để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới”, vị chuyên gia dẫn chứng. 

Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ cao. Đầu tiên là sự đầu tư vào các chính sách; Thứ hai nguồn nhân lực và thứ ba là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn đất hiếm đứng thứ 2 thế giới, phục vụ cho ngành sản xuất bán dẫn. 

Trong tất cả lĩnh vực FDI của Việt Nam thì mới chỉ là các nước châu Á như Singapore, Nhật Bàn, Hàn Quốc, Đài Loan… chưa có “ông lớn” thế giới. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, và đây chính là cơ hội “bứt phá”.

Dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thăng hạng trong thu hút FDI. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC trong một báo cáo gần đây nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia (cùng với Singapore, Malaysia) vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi. Nhiều tập đoàn công nghệ đã ghi dấu ấn hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo HSBC, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple mở rộng hoạt động.

Hơn một nửa số doanh nghiệp thực hiện khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn nữa, 31% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào top 3, trong đó 16% doanh nghiệp ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.

Dẫn thông tin từ Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, hiện tại, có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến (đầu tư) các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ, đưa công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận