Nhà ở xã hội tại TP HCM khó hoàn thành mục tiêu?
Đông Bắc 07:12 | 15/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Mặc dù được các cơ quan ban ngành gỡ vướng nhưng tốc độ phát triển nhà ở xã hội TP HCM vẫn còn nhiều khó khăn. Không chỉ số sự án mới ít mà nguồn vốn vay cũng khó tiếp cận.
Chưa dự án nhà ở xã hội nào tại TP HCM vay được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Theo Sở Xây dựng TP HCM, đến đầu tháng 6/2024, TP HCM vẫn chưa có dự án nào tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ được Thủ tướng Chính phủ triển khai vào tháng 3/2023.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo một công ty bất động sản cho biết, dự án nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức mà công ty ông đang triển khai là một trong 6 dự án được Sở Xây dựng công bố đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ tháng 6/2023.
Để thực hiện dự án nhà ở xã hội nói trên, công ty đã có sự chuẩn bị về nguồn vốn. Tuy nhiên, khi biết có gói vay 120.000 tỷ đồng, chủ đầu tư đã cân đối lại nguồn tài chính và muốn vay 190 tỷ đồng.
“Dự án này đã được cơ quan chức năng thẩm định đủ điều kiện tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Gần 1 năm qua, ngân hàng vào làm việc nhưng vẫn chưa có cam kết gì về số tiền cho vay”, lãnh đạo công ty bất động sản nói.
Đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 640 tỷ đồng cho 8 dự án nhà ở xã hội. Lãi suất và thời gian hưởng lãi suất chưa thực sự thu hút người vay. Như vậy, đến nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 0,53%.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) đã tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng. Như vậy, gói tín dụng được nâng lên là 125.000 tỷ đồng.
Cũng tại TP Thủ Đức, dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê tại phường Thạnh Mỹ Lợi cũng chưa tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Dự án này có quy mô hơn 1.000 căn hộ, chủ đầu tư có nhu cầu vay 700 tỷ đồng.
Xét theo các tiêu chí, dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng ưu đãi. Ngân hàng BIDV – Chi nhánh quận 7 đã thẩm định hồ sơ và đồng ý cấp hạn mức tối đa 585 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư dự án vẫn chưa được ngân hàng giải ngân.
Ngoài 2 dự án trên, tại TP HCM còn 4 dự án, gồm 2 dự án nhà ở xã hội và 2 dự án cải tạo chung cư cũ, đã đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được vay từ gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Trong đó, dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh chưa được vay vì đã hoàn thành vào quý I/2024. Chủ đầu tư 3 dự án còn lại vẫn đang thực hiện các thủ tục với ngân hàng.
Tại buổi gặp gỡ Chủ tịch UBND TP HCM hồi tháng 5, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi là cam kết của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với Chính phủ cho nhà đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Lãi suất cho vay của chương trình này thấp hơn khoảng từ 1,5% – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn Việt Nam đồng bình quân của 4 ngân hàng.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho rằng, các ngân hàng rất ủng hộ chương trình này. Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định để đồng ý cấp tín dụng cho các chủ đầu tư, các ngân hàng có quy định riêng về các điều kiện vay, nhằm đảm bảo thu hồi khoản vay theo quy định.
Cụ thể, với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, chủ dự án không thể dùng khu đất xây dự án nhà ở xã hội làm tài sản thế chấp cho chính dự án này mà phải dùng tài sản khác thế chấp, làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Hầu hết các chủ dự án sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất đều chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, thành phần hồ sơ vay không đáp ứng theo quy định của các ngân hàng.
Cần phải hỗ trợ lãi suất cho công nhân vay mua nhà
Thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, cho công nhân đến năm 2030 đang thực sự gặp khó khăn đối với TP HCM.
Thông tin này được Sở Xây dựng báo cáo tại cuộc họp cuối quý I/2024 với Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về việc triển khai, thực hiện các dự án ở xã hội.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ giao TP HCM phát triển 26.200 căn nhà ở xã hội. Còn thành phố này đặt mục tiêu xây dựng được 35.000 căn (bao gồm cả nhà lưu trú công nhân) với 37 dự án.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2024, TP HCM mới hoàn thành được 1 dự án nhà ở xã hội (với 250 căn), còn lại 36 dự án. Trong đó, 6 dự án đang thi công, 30 dự án thực hiện các thủ tục pháp lý.
Theo đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, TP HCM cũng nằm trong nhóm được giao chỉ tiêu cao nhất, chỉ sau các địa phương thủ phủ công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương…
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thời gian tới, 13 dự án với khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội có thể đẩy hết cỡ về thủ tục để hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, 23 dự án còn lại rất khó để hoàn thành từ nay đến năm 2025.
Chủ tịch UBND TP HCM thừa nhận, các dự án nhà ở xã hội là rất ít, do vướng mắc về quy hoạch, về đất đai, kể cả vấn đề sinh lời… nên đầu tư của các doanh nghiệp chưa nhiều.
Theo ông Mãi, Thủ tướng giao cho thành phố xây dựng ít nhất 26.200 căn. Thành phố phấn đấu đến năm sau ít nhất đạt chỉ tiêu của Thủ tướng giao. Trong đó, nhiều dự án đã xác định được vị trí.