Người Việt chi hơn 71.000 tỷ đồng mua sắm online trong 3 tháng đầu năm

Đức Huy 08:47 | 20/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Bán lẻ trực tuyến quý I ghi nhận tăng trưởng doanh số gần 79% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.‏

‏Đi cùng với sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, bức tranh về thị trường sàn thương mại điện tử trong quý I cũng hiện lên nhiều gam màu tươi sáng. Theo dữ liệu từ Metric, tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) đã đạt mức 71.200 tỷ đồng, tăng trưởng tới 78,69% so với cùng kỳ năm 2023. ‏

‏Con số này vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường thương mại điện tử năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023. Đồng thời, 766,7 triệu đơn vị sản phẩm đã được giao thành công tới người tiêu dùng trong 3 tháng qua – tăng 83,21% so với cùng kỳ.

Nhà phân tích nhận định với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa được triển khai, người dân đang có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn so với giai đoạn hậu COVID-19. Và mua sắm online đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng.‏

‏Cùng với sự phát triển chóng mặt về doanh số và sản lượng bán, quý I cũng đã ghi nhận một chỉ số vô cùng tích cực: số lượng nhà bán phát sinh đơn hàng có tốc độ tăng trưởng dương – lần đầu tiên trong nhiều quý trở lại đây. ‏

‏Có thể nói, bên cạnh sự hồi phục của nền kinh tế, doanh nghiệp đang ngày càng có niềm tin vào sự phát triển của thị trường bán lẻ trực tuyến. Thương mại điện tử sẽ là sân chơi buộc phải tham gia nếu muốn tiếp cận số lượng khách hàng khổng lồ. Tuy nhiên, thương mại điện tử luôn là một thị trường đầy khốc liệt, nếu chỉ cần tìm mặt hàng bất kỳ trên sàn, người dùng có thể nhìn thấy hàng chục, hàng trăm nhà cung cấp. ‏‏Vì vậy, với số lượng doanh nghiệp tăng lên, chắc chắn cuộc chiến trên nền tảng Ecommerce sẽ ngày càng phức tạp. Nhà bán có thể bị đào thải bất cứ lúc nào nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả.

‏Hiện nay, các doanh nghiệp địa phương cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tổng doanh thu và sản lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%. Thương mại điện tử đã không còn là sân chơi riêng cho các doanh nghiệp tại các đô thị lớn mà đã có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh thành.

‏Kho hàng đặt tại các tỉnh thành đồng thời giúp rút ngắn thời gian vận chuyển – giao hàng, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu mua hàng nhanh chóng của người tiêu dùng ở địa phương. ​Tổng doanh thu và sản lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%.​‏

‏Sản phẩm làm đẹp được mua online nhiều nhất‏

‏Với việc mang lại tổng cộng 11.250 tỷ đồng cho cả 5 sàn thương mại điện tử trong ba tháng đầu năm, Làm đẹp cho thấy sức ảnh hưởng của mình khi tiếp tục duy trì vị trí quán quân trong bảng xếp hạng những ngành hàng có doanh thu cao nhất.‏

Phạm Bảo Trung – Giám đốc kinh doanh Metric. (Ảnh: Metric cung cấp).

‏Ông Phạm Bảo Trung – Giám đốc kinh doanh Metric chia sẻ, sở dĩ làm đẹp có thể duy trì vị thế từ năm này qua năm khác đến từ ba đặc trưng ngành hàng: sản phẩm có sức mua lại cao, nhiều chương trình khuyến mại so với cửa hàng offline, khách hàng phần nhiều là nữ – tệp khách hàng chủ yếu của các sàn thương mại điện tử. Chăm sóc da mặt là nhóm sản phẩm phổ biến nhất với doanh số 3.223 tỷ đồng, với 22,32 triệu sản phẩm được bán ra. ‏

‏Bên cạnh đó, quý I chứng kiến sự phát triển thần tốc của ngành hàng điện gia dụng, với mức doanh số tăng trưởng 146,8% và sản lượng bán tăng tới gần 370%. Top đầu những sản phẩm bán chạy đều có mức giá cao, điển hình như máy chiếu, robot hút bụi,… Điều này cho thấy người tiêu dùng đã không còn ngại mua sắm những mặt hàng có giá trị trên sàn online nếu nhà bán chứng minh được uy tín và chất lượng sản phẩm. ‏

‏Metric dự báo quý II, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 84.870 tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra; tăng lần lượt 19,2% và 13,57% so với quý I. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu hết sức tích cực. ​‏

‏Tuy nhiên, những biến động địa chính trị làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, sự xâm nhập từ các nhà bán nước ngoài và thay đổi chính sách từ 1 số sàn thương mại điện tử với trọng tâm đề cao người mua,… sẽ là những thách thức mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt nếu muốn phát triển trong phần còn lại của năm 2024. ‏

‏Tìm hiểu kỹ thị trường, lựa chọn sản phẩm và sàn thương mại điện tử để kinh doanh, đề ra chiến lược hiệu quả dựa trên những số liệu và phân tích thực tế sẽ là hướng đi đúng cho nhà bán trong giai đoạn hiện nay.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận