Ngành thủy sản le lói tín hiệu sáng, chăn nuôi vẫn nặng gánh chi phí tăng

Trang Mai 17:27 | 28/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022, trong đó cho thấy sản lượng thủy sản có tín hiệu phục hồi trong khi ngành chăn nuôi chững lại do chi phí cao.

Sản xuất thuỷ sản trên đà hồi phục

Trong tháng 2, các đơn vị nuôi trồng tiếp tục tăng về diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch sản phẩm thủy sản trọng điểm. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 332,2 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cá đạt 237,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 51,6 nghìn tấn, tăng 0,4%.  

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 665,9 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 479,6 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 100,4 nghìn tấn, tăng 0,7%; thủy sản khác đạt 85,9 nghìn tấn, tăng 2,9%. Xét về một số mặt hàng chủ lực, việc Trung Quốc đã mở cửa thông quan đã tạo cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Theo thống kê, sản lượng xuất khẩu và giá mặt hàng này đã tăng so với tháng trước. 

Còn về thuỷ sản khai thác; sản lượng khai thác tháng 2/2023 ước đạt 261,2 nghìn tấn, nâng luỹ kế 2 tháng lên 519,6 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng thủy sản hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Tổng cục thống kê

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), sang nửa đầu tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bất ngờ tăng rất mạnh. Trước đó, xuất khẩu thủy sản suy giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang tháng 1/2023.

Cụ thể, trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tra giảm 50%; tôm giảm 46%; cá ngừ giảm 32%; riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%…

VASEP dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho hay, nửa đầu tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 2 vẫn chưa đủ đề bù đắp sự sụt giảm mạnh trong tháng 1/2023.

Cùng với sự mở cửa ở Trung Quốc và các thị trường khác trên thế giới, VASEP ước tính xuất khẩu thủy sản trong cả tháng 2 năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 29% so với tháng 2/2022. 

Trong bối cảnh lạm phát, VASEP cho rằng lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải, vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình.

Diện tích trồng lúa và lâm nghiệp tăng, riêng chăn nuôi chững lại

Về mảng nông nghiệp, tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước đã gieo cấy được 2.693,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 823 nghìn ha, bằng 105,3%; các địa phương phía Nam đạt 1.870,4 nghìn ha, bằng 98,5%; riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 1.475,1 nghìn ha, bằng 98,2%.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích khoai lang, đậu tương, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên người dân có xu hướng chuyển dịch sang trồng ngô và rau đậu các loại.

 Gieo trồng một số cây hàng năm (Tính đến 15/02/2023). Ảnh: Tổng cục thống kê

Về mảng chăn nuôi, tình hình chăn nuôi phát triển ổn định trong tháng 2. Nguồn cung dồi dào khiến giá lợn hơi giảm (trung bình  48.000 – 53.000 đồng/kg) trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục nên chi phí sản xuất tăng tạo áp lực đối với người chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi vẫn cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch do nguy cơ phát sinh dịch tả lợn châu Phi vẫn ở mức cao.  

 Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 02/2023 so với cùng thời điểm năm trước.Ảnh: Tổng cục thống kê

Trong lâm nghiệp, nhìn chung, diện tích rừng trồng mới trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. 

Tình hình lâm nghiệp tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Trang Mai tổng hợp

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 2/2023 là 52,5 ha, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 2 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 97,7 ha, giảm 29,1% so với cùng kỳ 2022.  

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận