Ngành mía đường khởi sắc quý đầu năm, nhưng doanh nghiệp vẫn lo ‘căn bệnh mãn tính’
Trang Mai 20:06 | 08/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Cuối quý I, giá đường Việt Nam giảm xuống 20.500 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân năm 2023. Điều này đã thúc đẩy kết quả kinh doanh khởi sắc cho các doanh nghiệp mía đường thời gian qua. Tuy nhiên, lượng đường nhập lậu lớn và tồn kho tăng cao đang bài toán lớn khó có lời giải.
Giá đường tăng cao giúp KQKD các doanh nghiệp khởi sắc
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, ngành mía đường Việt Nam đã kết thúc giai đoạn trồng mới cho vụ Đông Xuân và vào vụ ép mía 2023-2024.
Theo các nhà máy đường còn hoạt động, dự kiến sản lượng niên vụ 2023-2024 sẽ gia tăng đáng kể so với niên vụ trước. Diện tích mía thu hoạch ước đạt 159,159 ha (tăng 12% so với cùng kỳ), sản lượng mía chế biến hơn 10,9 triệu tấn (tăng 13%), sản lượng đường các loại trên 1 triệu tấn (tăng 10%).
Bên cạnh đó, theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam rơi vào mức gần 2,4 tỷ tấn đường.
Mặc dù nhu cầu nhiều nhưng sản lượng đường sản xuất trong nước cho đến nay chỉ đáp ứng được 43% so với thực tế. Chính vì vậy, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn.
Giá đường nhập khẩu vào Việt Nam cũng biến động tương đồng với giá đường trên thế giới khi có sự sụt giảm trong 3 tháng đầu năm 2024. Tại cuối quý I, giá đường Việt Nam giảm xuống 20.500 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân năm 2023.
Yếu tố lạc quan về giá là một trong những tác nhân chính thúc đẩy sự khởi sắc của các doanh nghiệp mía đường trên sàn chứng khoán trong quý I (hoặc quý III theo năm tài chính từ 1/1-3/1).
Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) có quý kinh doanh đầu năm 2024 khả quan với lãi ròng gần 532 tỷ đồng, tăng 68%. Động lực chính đến từ mảng đường với sản lượng tiêu thụ tăng 38%, giá thành sản xuất giảm, cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại và kiểm soát tốt đường nhập lậu của Bộ Công Thương.
Mảng đường đóng góp 48% doanh thu và 40% lợi nhuận gộp của QNS, tương ứng 1.124 tỷ đồng và 325 tỷ đồng, lần lượt tăng 51% và 94% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp mảng đường cải thiện 6 điểm phần trăm, lên 29%, giúp biên lãi gộp toàn công ty nới rộng lên 32%, so với mức 28% của quý I/2023.
Ngoài Đường Quảng Ngãi, phần lớn doanh nghiệp mía đường có niên độ tài chính trùng với vụ mía, bắt đầu từ 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau. Các doanh nghiệp cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý III cho năm tài chính 2023-2024.
“Ông lớn” ngành đường với 46% thị phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS, mã: SBT) ghi nhận lãi ròng công ty mẹ tăng trưởng 2 con số, ở mức 37%, đạt hơn 204 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện lên 13%, tăng hơn 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ, do sự chuyển dịch trong tỷ trọng cơ cấu sản phẩm – dần chuyển sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Công ty cho biết, trong quý III, kênh B2C tăng trưởng hơn 58%, kênh B2B tăng gần 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng sản lượng tiêu thụ của TTC AgriS đạt hơn 910.000 tấn, lãi trước thuế khoảng 682 tỷ đồng, tăng 17% và thực hiện được 80% kế hoạch năm. Lãi ròng 3 quý tăng 18%, lên hơn 553 tỷ đồng.
Tín hiệu tích cực cũng được góp mặt bởi các doanh nghiệp với quy mô nhỏ hơn. Như Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã: LSS) doanh thu tăng 79%, lên 726 tỷ đồng. Lãi ròng công ty mẹ khoảng 32 tỷ đồng, hơn gấp 4,5 lần cùng kỳ. Doanh nghiệp cho hay do thị trường tốt lên và các khoản chi phí trong tầm kiểm soát, cùng với hiệu quả từ hoạt động tài chính.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2023-2024, Lasuco lãi trước thuế hơn 106 tỷ đồng, gấp hơn 5,5 lần cùng kỳ và hoàn thành sớm mục tiêu lợi nhuận năm; lãi ròng gấp 6 lần, đạt hơn 89 tỷ đồng, vượt xa kết quả lợi nhuận của 6 niên độ gần nhất kể từ niên độ 2017-2018.
Là doanh nghiệp đường hiếm hoi trên sàn được được hưởng thuế ưu đãi doanh nghiệp, Mía Đường Sơn La (mã: SLS) ghi nhận lãi ròng quý III giảm nhẹ 6%, xuống 102 tỷ đồng. Tuy nhiên biên lãi gộp của đơn vị này tăng tới 13 điểm phần trăm so với cùng kỳ niên độ trước, lên khoảng 41%.
Tính chung sau 3 quý đầu niên độ 2023-2024, SLS lãi ròng khoảng 291 tỷ đồng, giảm 2% và hơn gấp đôi kế hoạch năm với 137 tỷ đồng. Thực tế, SLS đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra ngay từ 6 tháng đầu niên độ. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, đây là công ty có truyền thống đặt kế hoạch kinh doanh rất thận trọng.
Ngược dòng, Đường Kon Tum (mã: KTS) có lợi nhuận giảm 11%, đạt 11 tỷ đồng trong quý III do sản lượng đường tiêu thụ giảm. Tuy nhiên cũng đã khởi sắc hơn so với quý lỗ gần 900 triệu trước đó.
Luỹ kế 3 quý, công ty có lãi gần 11 tỷ đồng, thực hiện được 38% mục tiêu lợi nhuận.
“Đường nhập lậu là bệnh mãn tính của ngành đường Việt Nam”
Một vấn đề gây nhức nhối trong ngành mía đường trong nhiều năm qua là đường nhập lậu. Trao đổi với phóng viên DNVN, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, lượng đường nhập lậu này chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, đi theo con đường từ Campuchia và Lào vào thị trường nội địa. Đây là loại đường bán phá giá, nên đường nội địa khó có thể cạnh tranh được.
“Thực chất là liên tục là nâng giá mía lên thì giá đường cũng tăng theo, bởi mía chiếm đến 70% chi phí giá thành. Nhưng giá tăng thì cũng rất khó để cạnh tranh với đường phá giá”, Chủ tịch VSSA thông tin.
Đường nhập lậu đang là căn bệnh mãn tính của ngành đường Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam
Ông Lộc cũng thông tin, thực trạng đường nhập lậu như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành không bán được, đường tồn kho ở mức cao kỷ lục.
Tính đến hết tháng 6, tất cả doanh nghiệp đều có hàng tồn kho tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm 31/3/2024, tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp mía đường đạt gần 8.600 tỷ đồng, thành phẩm chiếm hơn 63% tỷ trọng.
Nói về điều này, ông Lộc thông tin: “Lượng hàng tồn kho hiện nay của các doanh nghiệp lớn này chứ không phải nhỏ. Tại vì hầu hết các doanh nghiệp đều không bán được, lượng bán ra rất ít. Thời điểm này coi như kết thúc vụ ép rồi nhưng 70-80% sản lượng nằm kho”.
Theo thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2023 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 661 vụ việc vi phạm, 111.994 đối tượng. Qua đó, tịch thu 684.492 kg đường cát, tiêu hủy 99.944 kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng; xử lý hình sự 3 vụ, 3 bị can. Tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.
Bàn về giải pháp chống gian lận thương mại và đường nhập lậu, Chủ tịch VSSA Nguyễn Văn Lộc thông tin: Hiện nay khung pháp lý đã có, ví dụ như các yêu cầu về an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa, truy gốc nguồn gốc xuất xứ đầy đủ,… là có thể ngăn chặn được.
“Phải nói là sức ép của doanh nghiệp ngành đường là rất lớn. Khi vẫn phải giữ mía ở giá cao, nhưng sản phẩm đường bán không được, không sinh ra được dòng tiền. Tất nhiên một vài đơn vị trong ngành vẫn có kết quả tốt, nhưng đây chỉ là thiểu số, còn đa số vẫn là khó”, ông Lộc nhận định.