Ngành dệt may nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm thị trường mới

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 03/02/2023 15:39 GMT+7

VTV.vn – Trước thách thức trong năm 2023, những ngày sản xuất đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực duy trì hoạt động, tìm thêm các thị trường mới.

Trong năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam cán đích đáng ghi nhận khi mang về 44 tỷ USD, tăng gần 9% so năm trước. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, ngành dệt may đang phải đối diện với nhiều thách thức do kinh tế thế giới biến động, đơn hàng sụt giảm trong mùa tiêu dùng thấp điểm.

Chỉ trong tuần làm việc đầu tiên, Công ty may mặc Dony đã ký được 3 đơn hàng, tăng 100% so với cuối năm ngoái. Nhờ vậy, dây chuyền sản xuất có thể hoạt động đến hết quý II. Thay vì chờ đối tác tìm đến nhà máy, doanh nghiệp chủ động tiếp cận trước như tại khu vực Trung Đông và đưa ra mức giá cạnh tranh nhất.

“Họ sẵn sàng đặt trước công ty cả năm và chúng tôi có kế hoạch sản xuất bất cứ lúc nào mà công ty trống chuyền, nghĩa là chúng tôi sẽ sản xuất hàng của họ vào lúc công ty trống chuyền để có thể sản xuất với giá tối ưu, không cần phải tăng ca. Với sự hợp tác đó họ có mức giá vô cùng cạnh tranh, còn chúng tôi có nguồn hàng rất lớn để ổn định sản xuất”, ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty may mặc Dony, cho biết.

Ngành dệt may nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm thị trường mới - Ảnh 1.

Năm 2023, ngành dệt may đang phải đối diện với nhiều thách thức do kinh tế thế giới biến động, đơn hàng sụt giảm. (Ảnh minh họa – Ảnh: PLO)

Châu Úc và Canada là hai thị trường mới Công ty Việt Thắng Jean tiếp cận để thay thế cho Mỹ và châu Âu, vốn đã sụt giảm đơn hàng từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, không giống như các năm trước là các đơn hàng thực hiện theo mùa, tức khoảng 3 tháng, còn bây giờ rút ngắn chỉ còn 1 tháng. Do đó, sau khi tìm hiểu thị trường mới, doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu để có thể bắt đầu sản xuất từ đầu tháng 4 tới.

“Thứ nhất đòi hỏi các doanh nghiệp như chúng tôi phải hiểu được xu hướng về form dáng, về màu, fashion… Còn áo jean thì chúng tôi cần công nghệ hỗ trợ ví dụ như công nghệ 4.0 làm sao cho giá trị gia tăng vải denim nó tốt hơn. Khi đặt hàng là chúng tôi có vải có, có tất cả mọi thứ để đáp ứng”, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, chia sẻ.

Để nâng tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, các chuyên gia cho rằng ngành xuất khẩu cần tập trung vào các giải pháp chính như: thông qua Bộ Công Thương, doanh nghiệp tiếp cận thêm các thị trường mới; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng; nối lại nguồn cung, tăng năng suất lao động và giảm các chi phí kinh doanh.

“Chi phí vận tải, logistics cấu thành rất lớn trong chi phí xuất khẩu của chúng ta. Doanh nghiệp bán sản phẩm giá 100 đồng, nhưng nhiều khi chi phí vận tải, logistics chiếm 30 – 40% ở trong đó. Như vậy doanh nghiệp không còn sức cạnh tranh. Những hoạt động ngoại thương tập trung ở những vùng kinh tế trọng điểm như Đông Nam Bộ và tắc nghẽn giao thông ở đây chúng ta thấy rất rõ”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đánh giá.

Doanh nghiệp cần linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, tăng cường đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, từ đó hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 phát triển ngành dệt may và da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận