Ngân hàng cần có cơ chế linh hoạt với doanh nghiệp lúa gạo có nhu cầu vốn lớn
Hoàng Anh 20:33 | 16/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các chi nhánh NHNH tại khu vực ĐBSCL có cơ chế linh hoạt với các doanh nghiệp uy tín cần vốn lớn trong một số giai đoạn của mùa vụ nhưng thiếu hạn mức tín dụng.
Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng ĐBSCL, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết NHNN đã có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngành lúa gạo, thủy sản nói riêng.
NHNN đã hướng dẫn các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng.
Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết 30/6/2024.
Đến nay đã có 13 NHTM tham gia chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.
Ngoài ra, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng nỗ lực hạ lãi suất bao gồm cả lãi suất các khoản vay cũ và mới, 1 – 1,5%/năm, giảm lãi suất nội tệ và ngoại tệ.
“NHNN đã làm việc với các NHTM thiết kế chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%. Các NHTM đã tham gia có trách nhiệm chủ động cho vay, thực hiện đúng cam kết”, đại diện NHNN nói.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các NHTM hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa trong giai đoạn khó khăn này bằng nhiều giải pháp như giảm lãi suất, giảm bớt thủ tục hành chính…
“Ngân hàng phải xác định giảm lãi suất cho doanh nghiệp chính là hỗ trợ cho mối quan hệ cộng sinh với doanh nghiệp”, Phó Thống đốc NHNN nói.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu nắm sát hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành thủy sản, lúa gạo.
Ngoài ra, các ngân hàng cần theo dõi tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng.
Các chi nhánh NHNN cần thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.
“Các chi nhánh NHNN tại địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực cần ưu tiên. Ví dụ có thời điểm khách hàng uy tín cần vốn lớn trong một số giai đoạn của mùa vụ, nhưng thiếu hạn mức tín dụng, các ngân hàng cần linh hoạt, có cơ chế nhanh để hỗ trợ”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú góp ý.