Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Ngày 19-8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng CIEM bày tỏ sự trăn trở làm sao để các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể được áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta có các cam kết chiến lược về tăng trưởng xanh.

Hội thảo công bố báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”.

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong chiến lược tăng trưởng xanh, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Một trong số đó là làm sao để cộng đồng các doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ trong mô hình kinh doanh. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đổi mới sáng tạo, sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.Sau đó, trình bày nghiên cứu về mô hình kinh doanh tuần hoàn, ông Trịnh Đức Chiều, Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho biết, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy sự cần thiết phải phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh doanh trong nền kinh tế. Đó là đóng góp cho sự phát triển bền vững, giải quyết được các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên.

“Mặc dù kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện từ rất sớm nhưng kinh doanh trong kinh tế tuần hoàn mới xuất hiện từ năm 2015 trở lại đây. Mô hình kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng tất yếu ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ…”, ông Trịnh Đức Chiều thông tin và cho biết, Việt Nam dù đã có sự xuất hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn nhưng hiện vẫn ở mức thấp và tự phát. Trong tương lai, mô hình này cần được nhân rộng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cam kết COP26 và biến đổi khí hậu.

Theo khảo sát trong báo cáo, đặc trưng chủ yếu của kinh tế, kinh doanh tuần hoàn chính là duy trì liên tục nhiên liệu, vật liệu và sản phẩm với vị trí hữu ích, sử dụng chất thải để tạo ra các nguồn nhiên liệu mới.

Đây chính là mô hình bảo đảm cho sự phát triển bền vững với vai trò khuyến khích các công ty giới thiệu về công nghệ đột phá cho các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt cho công nghệ tái chế. Đồng thời giúp tạo ra các sản phẩm có chức năng hữu dụng hơn, chi phí thấp hơn.

Đây là mô hình kinh doanh bền vững thông qua áp dụng nguyên tắc về tuần hoàn để giảm cầu về nguyên liệu, tăng tuổi thọ và kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm và tiến tới loại bỏ chất thải. Đồng thời, duy trì liên tục nguyên liệu, vật liệu và sản phẩm ở vị trí hữu ích, sử dụng chất thải để tạo ra những sản phẩm mới, là một mô hình cho sự phát triển bền vững.

CIEM khuyến nghị, để phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh doanh tuần hoàn nói riêng, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực…

Về phía các doanh nghiệp thì cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Minh Hoa

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận