MAS: Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam thấp nhất 7,5%
Từ số liệu vĩ mô những tháng gần nhất, nhóm nghiên cứu từ Chứng khoán MAS chỉ ra sự chậm lại đáng kể của bức tranh sản xuất và xuất khẩu trong nước.
Về xuất khẩu, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2022 của Việt Nam ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên mức tăng này đã chậm lại đáng kể so với mức tăng 16% của 10 tháng đầu năm. Nếu tính riêng tháng 11, kim ngạch xuất khẩu trong tháng thậm chí ước tính giảm 8,4% so với cùng kỳ trong bối cảnh hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều đang phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ chậm lại, đặc biệt là Mỹ và EU.
Về sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tăng chậm lại đáng kể trong tháng 10 (tăng 5,5%) và tháng 11 (tăng 5,3%) so với mức tăng 10,3% hồi tháng 9 trong bối cảnh thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng, đơn hàng giảm. Một tín hiệu khác cũng phản ánh sự suy yếu trong lĩnh vực sản xuất trong nước là chỉ số PMI sản xuất tháng 11 do S&P Global công bố vào đầu tháng 12 giảm xuống 47,4 điểm, thấp hơn mức trung lập 50 điểm và kết thúc chuỗi 13 tháng liên tiếp tăng trưởng.
“Việt Nam có thể phải đối mặt với hoạt động xuất khẩu chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng thương mại quốc tế có thể sẽ giảm mạnh do nhu cầu toàn cầu suy giảm, với các rủi ro địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng”, báo cáo vĩ mô của MAS nhận định.
Trong bối cảnh đó, tiêu dùng, đầu tư nước ngoài và đầu tư công được MAS nhận định là 3 điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Tiêu dùng phục hồi khi mùa mua sắm bắt đầu
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước đạt 514,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước và dịch vụ du lịch lữ hành gấp 4,1 lần.
Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).
Nhóm chuyên gia MAS nhận định một phần nhờ vào so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021, đà tăng trưởng bán lẻ vẫn được duy trì trong tháng 11. MAS cho rằng tiêu dùng nhìn chung vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP trong cả quý IV/2022 nhờ mùa mua sắm chính của năm đã bắt đầu.
“ Mặc dù lạm phát sẽ gây áp lực nhất định lên tiêu dùng nhưng sức mua tháng 12 được kỳ vọng sẽ cải thiện trong bối cảnh nhiều sự kiện lớn đang diễn ra như World Cup, Giáng sinh, Tết Dương lịch và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán”, báo cáo của MAS chỉ rõ.
Triển vọng thu hút vốn FDI tích cực
Một động lực khác được MAS nhận định sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP quý IV/2022 của Việt Nam là dòng vốn FDI tiếp tục mạnh mẽ.
Theo số liệu mà Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/11/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bao gồm cả đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vào nước ta đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất và bất động sản tiếp tục dẫn đầu về thu hút FDI, chiếm gần 80% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng. Cùng đó, một tín hiệu đáng lạc quan khác là vốn FDI thực hiện 11 tháng ước đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ. MAS nhận định điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn xem Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Theo chúng tôi, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế trong việc thu hút FDI trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra. Do tác động của việc đồng USD mạnh lên so với đồng Việt Nam (VND) gần đây đang giảm bớt, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ giải ngân mạnh mẽ hơn trong tháng 12”, báo cáo vĩ mô mới nhất của MAS cho hay.
Kỳ vọng giải ngân đầu tư công tăng tốc
Bên cạnh vốn FDI, vốn đầu tư công trong nước cũng được kỳ vọng là một trong những trụ đỡ cho tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm. Số liệu từ Bộ Tài chính tính đến cuối tháng 11 chp hay ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).
Trong khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 1.639 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 116% dự toán năm; còn lũy kế chi NSNN chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.359 nghìn tỷ đồng (bằng 76% dự toán năm).
Chứng khoán MAS nhận định thặng dư NSNN sẽ tạo dư địa để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối diện nhiều thách thức trong khi ở trong nước, tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp giảm tốc; MAS kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI.
Với 3 điểm sáng như vậy, MAS giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức ít nhất 7,5%. Đồng thời, khuyến nghị hai yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới là thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ.
“Trong thời gian tới, việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc là yếu tố chính cần theo dõi; chúng tôi kỳ vọng thị trường này sẽ dần mở cửa trở lại vào quý I/2023. Bên cạnh đó, Chủ tịch FED gần đây đã gợi ý về việc giảm tốc độ tăng lãi suất nhờ lạm phát có tín hiệu hạ nhiệt”.
Trong Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2023 mới công bố, các chuyên gia CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt đỉnh trong quý III/2022 và sẽ chậm dần từ quý IV/2022 do cầu thế giới yếu và hiệu ứng mở cửa sau Covid-19 nhạt dần. Theo đó, VNDirect dự báo rằng GDP có thể tăng 5,6% trong quý IV/2022, nâng mức tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,9%.
Còn tại Báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam” ngày 14/11, Chứng khoán ACBS cho rằng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm lại trong quý IV/2022 do lãi suất cao hơn, mặc dù nền kinh tế Việt Nam về cơ bản đã lấy lại đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi hậu Covid-19 với các yếu tố cơ bản tốt trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, ACBS duy trì kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,4% – 7,6% so với cùng kỳ trong quý IV/2022 và 7,8% – 8,4% cho cả năm 2022.