Kinh tế trưởng SSI đánh giá rủi ro thuế quan Mỹ – Việt Nam đã ‘hạ nhiệt’ và chỉ ra nhóm cổ phiếu hưởng lợi dài hạn

Thỏa thuận sơ bộ về thuế quan với Mỹ mở ra cơ hội dài hạn cho dòng vốn ngoại và nhóm cổ phiếu gắn với tăng trưởng nội tại.

Thỏa thuận sơ bộ là tín hiệu rất tích cực

Đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được tiến triển đáng kể sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/7. Theo đó, hai bên đã thống nhất bước đầu một thỏa thuận thuế quan mang tính định hướng. Dù chi tiết cụ thể vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện, song sự kiện này được giới phân tích đánh giá là bước ngoặt quan trọng giúp hạ nhiệt bất ổn thương mại, giảm thiểu các rủi ro chính sách và mở rộng dư địa thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), thỏa thuận này là “tín hiệu rất tích cực”. Ông cho rằng các mức thuế đang được đàm phán có thể chỉ dao động quanh 20% và “không phải là một con số đáng lo”.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng đây mới chỉ là một thỏa thuận sơ bộ, chưa mang tính cam kết cuối cùng. Mốc thời gian quan trọng là ngày 9/7 – hạn chót để hoàn tất toàn bộ nội dung. “Nếu không đạt được đồng thuận chính thức trước thời điểm này, mức thuế 10% có thể tiếp tục kéo dài”, theo ông.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI. Ảnh: SSI.

Một yếu tố then chốt khác là tiêu chí về quy tắc xuất xứ. “Chỉ khi chứng minh được rõ ràng nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, doanh nghiệp mới có thể thụ hưởng ưu đãi thực sự”, ông Phạm Lưu Hưng nhận định. Điều này đặt ra bài toán về nâng cấp chuỗi cung ứng nội địa và tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt với các ngành như dệt may, điện tử và đồ gỗ xuất khẩu – những lĩnh vực vốn có mức phụ thuộc cao vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo ông Phạm Lưu Hưng, phản ứng đầu tiên của thị trường sẽ là tích cực, tạo cú hích giảm bất định thông tin, giúp nhà đầu tư quay trở lại tập trung vào yếu tố tăng trưởng nội địa. Điều này phản ánh sự chuyển dịch rõ ràng của tâm lý nhà đầu tư từ trạng thái phòng thủ sang tích cực hơn, hướng đến dài hạn.

Cổ phiếu nào có triển vọng dài hạn?

Việc Việt Nam là quốc gia châu Á thứ ba đạt được thỏa thuận sơ bộ về thuế quan với Mỹ đã phần nào giúp khôi phục niềm tin của dòng vốn ngoại. Theo đánh giá của SSI Research, các nhóm cổ phiếu có khả năng duy trì tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao (free-float), thanh khoản tốt và vốn hóa lớn sẽ là những ứng viên sáng giá để đón đầu dòng tiền ETF nếu khả năng nâng hạng thị trường thành hiện thực.

“Xác suất được nâng hạng bởi FTSE Russell vào tháng 10 có thể lên tới 90%”, theo ông Phạm Lưu Hưng. Với kịch bản này, khoảng 20–30 mã cổ phiếu được dự đoán sẽ được thêm vào các rổ chỉ số của các quỹ ETF lớn. Những cổ phiếu như Vinamilk, Hòa Phát, nhóm Vingroup và SSI nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc gia tăng sức mua của khối ngoại, bất kể tác động trực tiếp từ chính sách thuế.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành chứng khoán cũng được đánh giá là “điểm sáng” trong giai đoạn hiện tại. “Các công ty chứng khoán top đầu về thị phần khối ngoại như SSI, VCI, HCM sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn ngoại quay trở lại”, theo ông Phạm Lưu Hưng. Trong khi đó, thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể trong quý II cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động môi giới, tự doanh và margin, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh quý của các doanh nghiệp trong ngành.

Về triển vọng lợi nhuận, SSI Research giữ nguyên dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu cổ phiếu phi tài chính, vốn hóa vừa và lớn ở mức khoảng 13% trong năm 2025. “Mức lợi nhuận này tương đương với VN-Index quanh mức 1.400 điểm, phản ánh triển vọng tích cực của thị trường trong nửa cuối năm”, ông Phạm Lưu Hưng cho biết. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các nhóm ngành có nền tảng nội tại vững mạnh sẽ là trụ cột thực sự của xu hướng tăng bền vững, thay vì các mã mang tính đầu cơ theo tin tức ngắn hạn.

Kỳ vọng dài hạn từ cải cách và mở cửa

Ngoài yếu tố thuế quan, thị trường đang đặt kỳ vọng cao vào việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Theo ông Phạm Lưu Hưng, nếu điều này trở thành hiện thực, “doanh nghiệp Việt sẽ tránh được các rào cản phòng vệ thương mại, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá”. Những ngành từng đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật như thủy sản, thép và dệt may sẽ được hưởng lợi lớn, cả về chi phí pháp lý lẫn cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ bên ngoài, động lực nội tại cũng được đánh giá là yếu tố chủ lực giúp duy trì đà phục hồi của thị trường. Việt Nam đang triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030, đi kèm với các cam kết cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính. Các lĩnh vực như hạ tầng, tiêu dùng và dịch vụ tài chính được xác định là đầu tàu tăng trưởng nhờ chính sách ổn định vĩ mô và giải ngân đầu tư công tăng tốc.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận thương mại chỉ là điều kiện cần. “Câu chuyện lớn nhất không phải là mức thuế bao nhiêu phần trăm, mà là chúng ta đã dần kiểm soát được bất định và mở ra triển vọng dài hạn cho đầu tư”, ông chia sẻ.

Theo đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát các cột mốc như ngày 9/7 – thời điểm chốt đàm phán thuế, tháng 10 – thời điểm FTSE công bố quyết định nâng hạng, cùng với kết quả kinh doanh quý II để có cơ sở xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn phù hợp.

Tổng thể, thỏa thuận thuế quan Mỹ – Việt Nam không chỉ mang lại sự “hạ nhiệt” nhất thời cho rủi ro chính sách, mà còn mở ra một chu kỳ định giá lại các cổ phiếu dẫn dắt gắn với tăng trưởng nội địa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn nhóm ngành có sức bật nội tại và nền tảng tài chính bền vững sẽ là chìa khóa để nhà đầu tư nắm bắt cơ hội trung và dài hạn một cách hiệu quả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *