‘Kịch bản xấu nhất VN-Index sẽ điều chỉnh về 1.124 điểm rồi tăng trưởng mạnh mẽ từ nay đến cuối năm’

Hạ An 07:55 | 27/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Theo nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research, nhịp điều chỉnh này VN-Index sẽ về thấp nhất 1.124-1.130 hoặc kịch bản tích cực là sẽ giao động quanh vùng 1.150 điểm rồi tăng trưởng mạnh mẽ từ nay đến cuối năm và sang đầu năm sau.

Đánh giá thị trường đang trong giai đoạn tích luỹ  và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ tại Hội thảo “Tích luỹ vị thế – Sẵn sàng bùng nổ” diễn ra 26/8, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research cho rằng, trong 6 tháng đầu năm thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã tăng trưởng rất tốt.

TTCK Việt Nam đã phục hồi tích cực trong nửa đầu năm 2023 & bước vào sóng tăng mới. Trong giai đoạn tăng tốt nhất, VN-Index đã tăng trưởng khoảng 22% so với cuối năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang song hành với thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường lớn trên thế giới. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng của TTCK tốt nhất trên thế giới.

Nguyên nhân của đợt tăng này là nhờ những chính sách vĩ mô thuận lợi hơn, NHNN đã chuyển từ chính sách tiền tệ chuyển từ “chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” hỗ trợ cho đà phục hồi của thị trường.

Ông Trần Hoàng Sơn Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research. (Ảnh: Hạ An).

Sau khi lên mức P/E 17.x lần, định giá của VN-Index đã giảm về mức 16.2x lần sau phiên giảm mạnh vừa qua và thấp hơn so với mức trung bình 10 năm ở 16,5 lần (tương đương vùng 1.200 điểm). Thị trường đang trong nhịp điều chỉnh “tái định giá” mùa báo cáo KQKD đã qua đi và thời gian tới xu hướng thị trường sẽ được dẫn dắt bởi lợi nhuận kỳ vọng phục hồi dần vào hai quý cuối năm 2023.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế của 1.030 công ty đại chúng đã giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 111.100 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2/3 tổng số doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm hoặc đi ngang.

Hiện, định giá theo P/E forward và P/B của Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn thấp hơn nhiều so với khu vực MSCI Emerging và một số quốc giá trong khu vực. Bên cạnh đó, ROE của Việt Nam cũng nằm trong những nước có ROE cao và P/E ở mức hấp dẫn.

Một trong những điểm mấu chốt quyết định cho xu hướng tăng của thị trường đó là thanh khoản, trong đó thanh khoản 6 tháng đầu năm đã tăng tích cực trở lại từ nền thấp của nửa cuối 2022 ở mức trung bình 12.000 – 13.000 tỷ đến thời điểm tháng 6 vừa qua đã quay về mức trung bình 24.000 – 27.000 tỷ đồng tương ứng tăng 90% so với đầu năm.

Thanh khoản thị trường quay trở lại mức trung bình 19.000 tỷ trong tháng 6, niềm tin đã bắt đầu quay trở lại, là dấu hiệu cho thấy thị trường chuyển từ giai đoạn tích luỹ sang phản ứng kinh tế tăng trưởng lành mạnh, lạm phát duy trì ở mức thấp.

Về kỹ thuật chỉ số VN-Index cũng đã bước vào một sóng tăng mới. (Ảnh: VPBankS).

“Thị trường đã trải qua pha sụt giảm do yếu tố thắt chặt tiền tệ và đã bắt đầu đi lên. Chúng ta đang ở trong sóng III và dự kiến sẽ có 5 sóng tăng nhỏ, nhịp điều chỉnh này VN Index sẽ về thấp nhất 1.124-1.130 hoặc kịch bản tích cực là sẽ giao động quanh vùng 1.150 điểm rồi đi lên”, ông Sơn dự báo.

Chuyên gia VPBankS Research từ cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2024, thị trường sẽ tiếp tục bước vào đợt sóng nhỏ thứ 4 và sẽ tăng trưởng rất tốt. “Trong dài hạn đến năm 2025 VN Index sẽ vượt mốc 1.535 điểm nhờ sóng nâng hạng thị trường và sự thay đổi hoàn toàn về ‘chất’ trong giao dịch”, ông nói.

Khuyến nghị nhà đầu tư về lựa chọn cổ phiếu , chuyên gia VPBankS Research cũng cho rằng, sau nhịp phục hồi kỹ thuật, nhịp tăng sắp tới sẽ đến từ việc chọn lọc theo bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp. Các cổ phiếu đầu ngành có lợi nhuận tốt sẽ phục hồi sớm hơn.

Trên thị trường hiện rất nhiều cổ phiếu đang có kỳ vọng lợi nhuận nhờ lãi suất đang có xu hướng hạ nhiệt giúp chi phí vốn thấp hơn. Thứ hai là Chính phủ đang quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, từ đó thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp trong 6 -12 tháng tới.

“Nhà đầu tư nên chọn lọc những cổ phiếu của doanh nghiệp có chất lượng lợi nhuận tốt, ví dụ với nhóm ngân hàng đã rất phân hoá. Những ngân hàng nợ xấu thấp, ít bị ảnh hưởng bởi trái phiếu doanh nghiệp và có NIM tăng cao thì sẽ là những “địa chỉ” có thể chờ cơ hội điều chỉnh này để giải ngân cho nhịp tăng giá mới”, ông Sơn nói.

Với các nhóm ngành khác như công nghệ, bất động sản khu công nghiệp,… đều có cơ hội tăng trưởng rất tốt. Lợi nhuận tích cực là một trong những bệ đỡ rất tốt cho giá và đà phục hồi của cổ phiếu trong tương lai. Vì vậy, nhà đầu tư nên tìm kiếm và chọn lọc những cổ phiếu tốt có khả năng tăng trưởng và giữ được lợi nhuận thì sau đó những “quả ngọt” về giá sẽ ở phía sau.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận