Hơn 549.000 tỷ vốn đầu tư công cần giải ngân trong 7 tháng còn lại của năm
Anh Đào 08:11 | 05/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Lượng giải ngân vốn đầu tư công trung bình mỗi tháng còn lại của năm 2023 sẽ phải đạt khoảng 78.500 tỷ để có thể hoàn thành kế hoạch.
Theo báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết với dư địa vẫn còn lớn (trên 549.000 tỷ), cao hơn tới 51% so với cùng kỳ, lượng giải ngân trung bình mỗi tháng còn lại của năm 2023 sẽ phải đạt khoảng 78.500 tỷ để có thể hoàn thành kế hoạch.
BVSC nhấn mạnh sẽ cần nhiều nỗ lực để có thể hoàn thành kế hoạch cả năm khi lượng giải ngân lớn nhất trong một tháng từ trước tới nay mới chỉ ở khoảng 65.000 tỷ.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ NSNN trong tháng 5 đạt 45.139 tỷ đồng, tăng 18,22% so với cùng kỳ và 12,72% so với tháng trước.
Như vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn NSNN đạt 177.040 tỷ đồng, tăng 19,72% so với cùng kỳ và hoàn thành 25,5% kế hoạch cả năm.
Tỷ lệ giải ngân tới thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước (trung bình giai đoạn 2014-2022 đạt 30,26%).
BVSC nhận định mặc dù vẫn đang ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, giải ngân đầu tư công vẫn đang diễn ra chậm hơn so với kế hoạch lớn của năm nay (hơn 700.000 tỷ).
Đầu tư công được đặc biệt kỳ vọng trong năm nay, trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài yếu gây áp lực lên xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Vietcap lại lạc quan cho rằng đầu tư công có thể tăng tốc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại.
Số liệu cho thấy đầu tư công tăng mạnh trong các giai đoạn khó khăn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008/2009, bong bóng bất động sản năm 2012, giá dầu thế giới giảm và chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ năm 2015 và dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.
Vì vậy, Vietcap kỳ vọng đầu tư công gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.
Các chuyên gia tại đây khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công, bên cạnh việc sử dụng chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ, để hạn chế tác động tiêu cực của tình hình kinh tế toàn cầu và tin rằng những nỗ lực gần đây của Chính phủ có thể giúp đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Chỉ trong tháng 3 và tháng 4, Chính phủ đã ban hành một công điện, một chỉ thị và hai quyết định nhằm thúc giải ngân đầu tư công.
Cụ thể, Công điện 123 ngày 10/3 yêu cầu các bộ ngành, cơ quan Chính phủ khẩn trương bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư; Quyết định 235 ngày 14/3 thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Chỉ thị 8 ngày 23/3 về những nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; và Quyết định 435 ngày 24/4 phân công các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với địa phương.