Hơn 4.600 tỷ đồng đầu tư phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh

(Chinhphu.vn) – Ngày 2/6, tại TP. Tây Ninh, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023”. Nhiều bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh với các doanh nghiệp đã được ký kết tại Diễn đàn.

02/06/2023  13:35

Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Tây Ninh sẽ thu hút đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng - Ảnh 1.
Dự kiến hơn 4.600 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao – Ảnh: VGP/MT

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, là dịp để Tây Ninh lắng nghe ý kiến góp ý, tiếp thu lĩnh hội những ý tưởng hay, kinh nghiệm quý trong định hướng phát triển của địa phương, nhất là những giải pháp khai thác tối đa, có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng Tây Ninh có điều kiện tự nhiên đặc thù thuận lợi, có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, để phát huy được các thế mạnh, Tây Ninh phải chú trọng vào các nhóm giải pháp như: Phát triển khoa học công nghệ; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường và các dịch vụ hỗ trợ; tuyên truyền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cải cách thủ tục hành chính.

“Nhiệm vụ đặt ra với tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và FDI”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ. 

Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Tây Ninh sẽ thu hút đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng - Ảnh 2.
Thông qua diễn đàn lần này, Tây Ninh sẽ đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ châu Âu – Ảnh: VGP/MT

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và cũng là Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn, một trong những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho biết, đến nay, Hùng Nhơn sở hữu 15 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN, với 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN là mô hình liên doanh với Tập đoàn De Hues (Hà Lan), cũng là thành viên của EuroCham. 

Liên doanh DHN giữa De Heus và Hùng Nhơn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh. Ngoài ra, dự kiến cuối năm 2023 đưa vào hoạt động trang trại gà giống 14,8 triệu con tại xã Tân Hội, huỵện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

“Từ thành công và kinh nghiệm có được trong việc hợp tác với doanh nghiệp thuộc EuroCham, tôi mong muốn đóng góp chút công sức nhỏ của mình vào nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Hy vọng thông qua sự kết nối này, Tây Ninh sẽ đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ châu Âu. 

Với công nghệ, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh, các doanh nghiệp EuroCham chắc chắn sẽ đầu tư thành công tại Tây Ninh, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương, phát triển theo hướng bền vững” – ông Hùng chia sẻ.

Trên cương vị đồng tổ chức diễn đàn, tân Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho rằng, với nguồn tài nguyên đất dồi dào, Tây Ninh mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, bao gồm các dự án kinh doanh nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thuỷ sản chế biến thực phẩm, chăn nuôi quy mô lớn… 

Tuy nhiên, vấn đề của ngành nông nghiệp Tây Ninh hiện nay là phải phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, đồng thời đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của EVFTA và EU.

Như vây, theo ông Gabor Fluit, để đạt được các tiêu chí trên, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có chất lượng, công nghệ hiện đại và tài chính vững mạnh. Đây là các tiêu chí mà các nhà đầu tư thuộc EuroCham có thể đáp ứng được. 

Với sự đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu, Tây Ninh có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường hơn 500 triệu dân và xa hơn nữa là trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc ứng dụng công nghệ cao vào ngành sản xuất nông nghiệp.

Tại diễn đàn, các biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết  giữa UBND tỉnh Tây Ninh với các tổ chức và doanh nghiệp gồm:

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh, VIDA và EuroCham về việc triển khai công nghệ số hoá nông sản ở Tây Ninh. 

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh. 

Theo đó, Hùng Nhơn dự kiến đầu tư xây dựng các dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục như: Tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trung tâm nghiên cứu công giống.

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh và Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam trong việc thực hiện dự án Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, công suất 50.000 tấn thịt/năm.

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh và Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) trong việc thực hiện dự án Tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, bao gồm nhà máy chế biến sữa công suất 36 triệu lít/năm và trang trại bò sữa số 2 quy mô 8.000 con.

Minh Thi

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận