Hé lộ bức tranh lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón 6 tháng đầu năm
Trang Mai 16:36 | 12/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Các doanh nghiệp ngành phân bón vừa đưa ra những con số ước tính khả quan về tình hình kinh doanh trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024. Dù doanh thu có tăng trưởng, nhưng giá vốn cùng chi phí còn tăng cao hơn khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bức tranh lợi nhuận dự kiến phân hóa
Trong báo cáo mới đây gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty sản xuất khoảng 553.000 tấn phân bón và hóa chất, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, DPM đã tích cực phát triển thêm các dòng sản phẩm NPK mới, giúp cho lượng tiêu thụ NPK Phú Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 80.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Về kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng kinh doanh phân bón ước đạt 694,4 nghìn tấn, tổng sản lượng kinh doanh hóa chất ước đạt 63,6 nghìn tấn, đều tăng so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm. Các con số về xuất khẩu cũng tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên con số cụ thể về doanh thu và lợi nhuận chưa được công bố.
Trước đó, doanh thu tháng 5 của DPM ước đạt 1.296 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch tháng; lũy kế 5 tháng đạt 5.405 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch 5 tháng. Lợi nhuận trước thuế tháng 5 ước đạt 38 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch tháng, vì giá thành sản xuất phân bón và hóa chất tăng do giá khí tăng cao, trong khi giá bán phân bón trên thị trường giảm so với các tháng trước.
Doanh nghiệp khác trong nhóm dầu khí là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) cũng ước tính, doanh thu tháng 6 ước đạt 1.603 tỷ đồng, tăng 49%, nhưng lợi nhuận trước thuế khoảng 74,4 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Đạm Cà Mau cho biết, doanh thu tháng 6 tăng so với kế hoạch và cùng kỳ do tổng sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng; lợi nhuận thấp so với cùng kỳ do phần tăng giá khí cao hơn phần tăng giá bán. Giá khí bình quân ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn 1,381 USD/Tr.BTU so với kế hoạch năm 2024 và cao hơn 0,731 USD/Tr.BTU so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp thuộc Vinachem cũng báo lãi đậm trong nửa đầu năm.
Theo đó, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã thông tin về tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh. Cụ thể, nửa đầu năm nay, ở nhóm công ty con của Vinachem, giá trị sản xuất theo giá thực ước đạt 27.136 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Doanh thu tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, thực hiện 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận Vinachem ước đạt 815 tỷ đồng. Nộp Ngân sách Nhà nước khoảng 561 tỷ đồng.
Vinachem cho biết, trong 6 tháng đầu năm, một số đơn vị trong tập đoàn có lãi tăng so với cùng kỳ như: CTCP DAP – Vinachem (Mã: DDV) bằng 46 lần, CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) bằng 5 lần, CTCP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ bằng 4 lần…
Doanh nghiệp nội tăng sức cạnh tranh nếu chịu thuế VAT 5%
Hiện nay, việc không chịu thuế VAT đã khiến các doanh nghiệp phân bón chịu nhiều thiệt hại. Do đó, đề xuất đưa phân bón được đưa vào diện chịu thuế GTGT 5% tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành đang nhận được nhiều sự ủng hộ của các chuyên gia và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” ngày 14/6, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế cho biết: “Năm 2014 không có số liệu để minh chứng chịu thuế 5% sẽ tốt hơn 0%. Nhưng thực tế 10 năm qua đã chứng minh nếu áp thuế 0%, các doanh nghiệp phân bón có cơ hội giảm giá cho bà con, ra điều kiện hạ giá cho bà con để chứng minh đúng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp”, ông Phụng nói.
Theo ông, cần phải giải thích cho nông dân áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân sẽ tăng lên 5% vì giá đầu vào đã được khấu trừ không có lý gì giá bán ra tăng.
Bên cạnh đó, khi không chịu thuế, chi phí sản xuất phân bón nội địa cao hơn dẫn đến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng gây bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu.
Mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài họ chịu thuế VAT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Cho nên doanh nghiệp nội địa và người nông dân “thiệt đơn thiệt kép”, ông Phụng nói.
Đồng quan điểm, VDSC cũng cho rằng hiện tại giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón nhập khẩu một phần là do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí VAT 10% (do không được khấu trừ). Nếu Luật thuế VAT (sửa đổi) được thông qua, giá thành sản xuất phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.