GS. Augustine Hà Tôn Vinh: Việt Nam cần nhiều ông Phạm Nhật Vượng

 15:51 25/08/2023

GS. Augustine Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Mỹ), có nhiều năm dạy về (M&A) và mô hinh SPAC cho rằng, sự kiện VinFast niêm yết trên Nasdaq ở Mỹ hôm 15/8 đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sau khi vừa trở về từ Mỹ, Giáo sư Vinh đã nêu lên những vấn đề cốt lõi của sự kiện VinFast gia nhập thị trường chứng khoán Mỹ.

Vinfast ra mắt xe điện tại Mỹ (Ảnh: Minh họa)
Vinfast ra mắt xe điện tại Mỹ (Ảnh: Minh họa).

Giáo sư là một người từng sinh sống và có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ. Ông đánh giá thế nào về sự kiện Công ty ô tô VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup vừa niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq ở Mỹ ngày 15 tháng 8 vừa qua?

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một công ty được biết đến với nhiều thành công ở Việt Nam trong các lĩnh vực như: bất động sản, bán lẻ, nghỉ dưỡng… Có thể nói, việc niêm yết thành công Công ty ô tô VinFast trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở Mỹ là niềm cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và, từ một góc nhìn nào đó, là niềm tự hào của Việt Nam nói riêng.

Mới chỉ thành lập vài năm trước đây, khoảng tháng 6 năm 2017, VinFast đã mau chóng tìm ra con đường tự khẳng định mình trong cuộc chơi toàn cầu. Đây không những là trí tuệ và bản lĩnh Việt mà còn là một canh bạc lớn chỉ dành cho các doanh nhân và doanh nghiệp có tầm nhìn đa quốc gia và niềm khao khát xây dựng và phát triển thương hiệu Việt ở quy mô toàn cầu. Nói một cách nào đó, tôi mong Việt Nam có nhiều VinFast, có nhiều ông Vượng.

Tôi chưa dám khẳng định về lâu dài VinFast có thành công hay không. Nhưng những gì doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã và đang làm được là rất hiếm có, một doanh nghiệp dám vươn ra thế giới cạnh tranh với công ty ô tô điện Tesla của tỷ phú Elon Musk và BYD của Trung Quốc.

Mở đường đi tiên phong để các doanh nghiệp khác làm theo, tuy rất khó nhưng Vingroup đã làm được, đưa hàng hóa, tên tuổi của quốc gia ra thế giới, làm rạng danh đất Việt. Chúng ta có rất nhiều doanh nhân tài ba, doanh nghiệp tầm cỡ, nhưng chưa ai làm được điều Vingroup đã làm, đó là đưa một doanh nghiệp Việt Nam lên thị trường chứng khoán Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta phải trân trọng VinFast và khuyến khích nhiều doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm như vậy.

Trong hơn một tuần qua, kể từ ngày niêm yết trên sàn Nasdaq, cổ phiếu của VinFast đã lên xuống chóng mặt, làm đảo lộn mọi suy nghĩ và tính toán của giới đầu tư. Giáo sư lý giải thế nào về hiện tượng này?

Để giải thích hiện tượng này, có lẽ chúng ta cần biết một số thông tin căn bản của VinFast để có thể hiểu biết về tầm nhìn và chiến lược phát triển lâu dài của công ty này. VinFast được thành lập tháng 6 năm 2017 tại Hải Phòng, là nhà sản xuất ô tô và xe máy điện lớn nhất của Việt Nam. Không đầy 2 năm sau, VinFast đã cho ra đời một mẫu xe hơi đầu tiên từ một dây chuyền lắp ráp hiện đại hàng đầu thế giới. Để làm được điều này, công ty mẹ là VinGroup đã đầu tư hàng tỷ đô la và có hàng trăm đối tác và nhà cung cấp nổi tiếng tại Việt Nam và trên thế giới. VinFast cũng đã đưa xe mẫu đi triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới. Đúng 2 năm sau ngày thành lập, VinFast đã bàn giao xe cho khách hàng nội địa.

Ảnh minh họa
GS. Augustine Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Mỹ) (Ảnh: Phan Chính).

Đầu  năm 2021, VinFast  với tham vọng lớn hơn, đã  công  bố  tầm nhìn toàn cầu mới và chuyển hướng trở thành công ty ô tô điện có thể cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Tesla, BYD, Nissan, Rivian, Lucid,… Đây có lẽ là cột mốc quan trọng của VinFast đánh dấu cho việc dừng sản xuất xe xăng và đi tìm nguồn đầu tư mới có đủ sức hỗ trợ cho  tham vọng sản xuất xe điện mới của VinFast. Mô hình SPAC và thị trường chứng khoán New York nằm lọt trong tầm ngắm của VinFast.

Xin Giáo sư cho biết mô hình SPAC hoạt động như thế nào và tại sao VinFast lại chọn mô hình này?

SPAC  (Special  Purpose  Acquisition  Company)  là  một  công ty được thành lập bởi một số nhà đầu tư có kinh nghiệm tài chính hay các công ty quỹ bảo lãnh nhằm mục đích mua hay bán một công ty đang kinh doanh hoặc có triển vọng phát triển. Các SPAC thường chỉ là các công ty rỗng hay công ty vỏ bọc (shell companies) không có hoạt động gì, vì mục đích thành lập là chỉ để mua hay bán  (M & A) một công  ty nào đó. Các nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu của các công ty rỗng này và số tiền đầu tư được gửi vào một quỹ tín thác. Thường thì trong 2 năm SPAC phải hoàn thành công việc mua bán này và giá cổ phiếu khởi điểm là $10 đô la. Nếu không hoàn thành thì SPAC phải hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư ban đầu. VinFast đã đi theo con đường này và đã chọn Công ty Black Spade Acquisition Co. là đối tác mua bán và hợp nhất. Ngày 14 tháng 8, 2023 VinFast và Black Spade sáp nhập, VinFast mua lại toàn bộ cổ phiếu của Black Spade. Công ty mới có tên là VinFast  Auto Pte. Ltd. (VinFast) và xin niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq dưới 2 mã niêm yết mới tên là VFS và VFSWW. Phải nói là thương vụ M & A  này được làm rất bài bản, đặc biệt do hai ngân hàng đa quốc gia là JPMorgan (Mỹ) và Deutsche Bank (Đức) tư vấn trong kế hoạch niêm yết tại Mỹ.

Theo tính toán mức đầu tư, khả năng sản xuất, công nghệ, thị trường, thương hiệu, doanh thu của các đối thủ cạnh tranh, v.v. của công ty M & A mới này, cổ phần được xác định có giá trị khoảng 27 tỷ USD. Công ty VinFast được định giá 23 tỷ USD và được công bố trong tài liệu  gửi cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Theo quy định, mỗi cổ phiếu sẽ có mệnh giá tối thiểu là $10 USD, như vậy VinFast mới sẽ có tổng cộng 2,3 tỷ cổ phiếu (23 USD tỷ/ $10). Ông Phạm Nhật Vượng, trong bản cáo bạch nộp cho SEC, với tư cách là chủ của VinFast, cho biết, ông nắm giữ toàn bộ cổ phiếu của VinFast, ở mức 99%. Như vậy, trên giấy tờ, cổ phần VinFast của ông Vượng hiện tại có giá trị là 23 tỷ USD, khi chưa lên sàn giao dịch.

Giáo sư nghĩ gì khi nhiều người cho rằng cổ phiếu của VinFast giống tàu lượn siêu tốc của thị trường Nasdaq?

Ngày 15 tháng 8, Công ty VinFast Auto Pte. Ltd. được niêm yết trên thị trường Chứng khoán Nasdaq ở New York. Theo thoả thuận với đối tác SPAC là Black Spade, VinFast sẽ được đưa lên sàn với giá tối thiểu là 10,45 USD. Ngay giờ mở cửa cổ phiếu của VinFast (VFS) đã được giao dịch ở mức 22 USD, một sự khởi đầu đầy ngoạn mục. Trong ngày đầu ra mắt cổ phiếu VFS đã được giao dịch cao nhất ở mức 37 USD. Điều này có nghĩa là với 2,3 tỷ cổ phiếu, giá trị vốn hoá của VinFast, còn được gọi là vốn chủ sở hữu, sẽ là 85 tỷ USD, cao hơn giá trị vốn hóa của hai hãng xe nổi tiếng của Hoa Kỳ là Ford – 48 tỷ USD và General Motors – 46 tỷ USD. Báo chí cũng như các nhà bình luận tài chính trên thế giới cho đây là một điều không tưởng cho một hãng xe còn non trẻ,  chưa có doanh thu và lợi nhuận đáng kể. Trong tuần đầu giao dịch cổ phiếu của VFS lên xuống không theo một dự đoán nào, từ 22USD lên 37USD rồi xuống 17USD, thậm chí có lúc xuống gần 11USD, rồi lại lên lại trên 40USD, có lúc lên đên 57USD. Theo như biến chuyển nêu trên, giá trị vốn hoá của VinFast có lúc lên đến hơn 100 tỷ USD và tài sản của ông Vượng đưa ông lọt top 30 người giầu nhất thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu và bình luận của thị trường chứng khoán gọi đây là một hiện tượng “điên rồ” (insane). Chỉ trong một tuần lên sàn mà giá cổ phiếu của VinFast lên xuống thất thường nhiều lần.

https://youtube.com/watch?v=VF_G_MUHpC8%3Frel%3D0

Vậy đâu là lý do giải thích cho hiện tượng “điên rồ” này?

Tôi cho rằng có một số nguyên nhân: Thứ nhất, chỉ có khoảng 1% số cổ phiếu của VinFast được đưa ra giao dịch trên thị trường Chứng khoán Nasdaq trong tuần qua. Tôi nghĩ VinFast vừa muốn thăm dò thị trường vừa muốn tạo hiệu ứng hàng hoá khan hiếm. Thị trường chứng khoán luôn có 2 loại nhà đầu tư: loại nhà đầu tư lâu dài có tiềm năng tài chính thường mua vào những cổ phiểu ổn  định, lợi nhuận hợp lý như điện nước, cầu đường, khách sạn, sản xuất tiêu dùng; loại thứ hai thường là các nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn, công nghệ, các dự án hay sản xuất có vòng đời ngắn, rủi ro và lợi nhuận cao. Họ có thể mua bán hay chốt lời trong ngày.

Thứ hai, với số lượng cổ phiếu được đưa ra lưu hành không nhiều lắm, khoảng 4,5 triệu cổ phiếu, đã đẩy lượng giao dịch lên cao khoảng 6,7 triệu cổ phiếu. Trong một ngày lượng giao dịch mua và bán nhiều lần đã làm giá bị đẩy lên cao. Nhiều nhà đầu tư trong thị trường có thể mua đi bán lại nhiều lần trong một ngày. Những daytrader này thường là những tác nhân thổi giá chốt lời. Họ chủ động nâng cao nhu cầu mua trong khi nguồn cung bị giới hạn. Họ thường là những người lướt sóng, tạo nên hiện tượng FOMO (fear of missing out) làm cho nhiều nhà đầu tư sợ bị bỏ rơi phía sau, sợ bị lỡ cơ hội, phải nhảy vào mua ngay.

Thứ ba, tôi tin rằng việc đưa một số ít cổ phiếu lên sàn nằm trong tính toán và chiến lược của VinFast. Đây là bước thăm dò thị trường, xem khẩu vị của các nhà đầu tư Hoa Kỳ với ngành xe ô tô điện và với một công ty nhỏ, một start-up mới chập chững bước vào thị trường chứng khoán khổng lồ với hơn 3.000 công ty lên sàn. VinFast hiện rất hài lòng với phản ứng tích cực của Nasdaq và giá của cổ phiếu. Tôi tin rằng trong vài tháng tới VinFast sẽ có một quyết định và chiến lược mới, đưa thêm nhiều cổ phiếu VFS vào thị trường. Điều này sẽ giúp ổn định giá cổ phiếu, giúp cho VinFast đánh giá chính xác hơn giá trị của VFS và cho các quỹ và nhà đầu tư an tâm mua vào nhiều hơn và giữ lâu hơn. Với hiện tượng giá cổ phiếu lên xuống như hiện tại, tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư trong ngày chỉ nhìn VinFast như một con gà đẻ trứng vàng trong thời gian ngắn. Việc VinFast cần là nguồn đầu tư ổn định và lâu dài giúp cho việc tính toán chính xác và chiến lược phát triển tại thị trường Mỹ đòi hỏi sự ổn định cao, sản phẩm chất lượng và phù hợp với nhu cầu cần thay đổi.

Phối cảnh nhà máy VinFast tại Mỹ. Ảnh: VinFast.
Phối cảnh nhà máy VinFast tại Mỹ. Ảnh: VinFast.

Thứ  tư, sự dao động mạnh mẽ của cổ phiếu VFS trong thời gian ngắn nói trên, đối với tôi, không phải là điều đáng mừng, mặc dù sự kiện VinFast lên sàn Nasdaq là một nỗ lực vượt bậc, một thành công có thể nói là ngoài sự mong đợi của VinFast và nhiều người. Sự dao động nói trên cho tôi thấy một số điều rất đáng lo ngại. Nhà đầu tư trong ngày chắc chắn nhiều hơn các nhà đầu tư quỹ hay chiến lược, họ sẽ là những người đưa cổ phiếu lên cao và vô tình hay hữu ý dìm hàng xuống nước. Các nhà đầu tư chiến lược thường không đầu tư vào các cổ phiếu có tính giao động quá mạnh và khó tiên đoán, đặc biệt khi công ty lên sàn chưa có quá trình sản xuất lâu dài và ổn định, hay có một “track record” đáng nể. Các công ty lên sàn chưa chắc có thể vượt qua những chướng ngại vật của thị trường: các công ty sở hữu công nghệ mới, cạnh tranh về giá của các đối thủ hiện tại, và các công ty sắp vào thị trường nhắm vào các yếu điểm của các công ty trên sàn. Nhiều công ty đã chết lâm sàng sau một thời gian ngắn hoặc đứt gánh giữa đường. Tôi chắc chắn đằng sau những nụ cười rực rỡ thấy VFS lên sàn, là những nỗi lo âu làm sao giữ vững được giá cổ phiếu khả dĩ chấp nhận được và không bị biến động mạnh. Đây quả là một bài toán nhức đầu của VinFast.

Thứ năm, thị trường luôn có những quỹ, chuyên gia, nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng sống còn và phát triển của VinFast. Họ sẽ là những người “bới lông tìm vết”, luôn chỉ ra cho thị trường những kẽ hở, những yếu điểm của VinFast làm cho cổ phiếu VFS có thể lên bờ xuống ruộng. Trong thời gian sắp tới, tôi chắc chắn sẽ có những bình luận tiêu cực, những phân tích không có lợi cho cổ phiếu của VinFast, giúp cho các nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về giá trị của cổ phiếu VFS. Có lẽ đến lúc đó mọi sự sẽ lắng đọng hơn, sự thành công hay thất bại của cổ phiếu VFS sẽ thực và rõ hơn. Nếu cổ phiếu VFS xuống giá, tôi chắc chắn VinFast sẽ bán thêm rất nhiều cổ phiếu để kêu gọi thêm nhà đầu tư và vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Nói cho cùng thì giá trị vốn hoá hay vốn chủ sở hữu của VinFast phần lớn vẫn nằm trên giấy tờ. Số lượng cổ phiếu VFS đang giao dịch như đã nói trên chỉ vào khoảng hơn 1% trên tổng số 2,3 tỷ cổ phiếu hiện vẫn chưa được đưa vào thị trường.

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá “hiện tượng” cổ phiếu VinFast nhảy múa, tuy nhiên chỉ cần nhìn vào kinh nghiệm và bài học trong quá khứ của Nasdaq, mọi người sẽ thấy VinFast cần sớm tìm cách thoát khỏi trạng thái hưng phấn ngắn ngủi – euphoria – hiện tại này để có thể ổn định và phát triển. Như tôi đã nói ở trên, VinFast cần sớm đưa thêm một lượng cố phiếu đáng kể để thoa dịu cơn khát của thị trường, mặc dù việc này có thể kéo giá trị của cổ phiếu xuống thấp hơn hiện tại. Điều này sẽ cho VinFast và các nhà đầu tư, nhất là cấc nhà đầu tư chiến lược hay quỹ đầu tư có quy mô lớn, thấy được giá trị thật của VinFast, gần với thực tế hơn, giúp xua tan mọi biến động hiện tại, điều mà nhiều nhà phân tích chứng khoán gọi là hiện tượng điên rồ hay ảo tưởng.

VinFast đã làm điều mà nhiều công ty trong nước và quốc tế  muốn làm mà chưa làm được. VinFast đã làm được điều mà cha ông chúng ta muốn làm đó là đem chuông đi đánh xứ người, làm rạng danh nòi giống tiên rồng. Theo tôi, Việt Nam chúng ta cần nhiều ông Vượng, cần thêm nhiều VinFast.

Xin cám ơn Giáo sư!

Phan Chính (thực hiện)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận