Giá bán giảm và gián đoạn nguồn cung là thách thức lớn của ngành lúa gạo

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 cả nước xuất khẩu 583.203 tấn gạo, tương đương 275,31 triệu USD. Giá trung bình 472 USD/tấn, giảm gần 19% cả về lượng và kim ngạch, và giảm nhẹ 0,2% về giá so với tháng 8; so với tháng 9/2021 cũng giảm 1,6% về lượng, giảm 6% kim ngạch và giảm 4,4% về giá.

Trong tháng 9, xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tiếp tục giảm mạnh trên 40% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 8/2022, đạt 184.817 tấn, tương đương 81,59 triệu USD; và cũng giảm 34,8% về lượng, giảm 40,9% kim ngạch, giảm 9,4% về giá so với tháng 9/2021.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 9/2022 tiếp tục tăng rất mạnh 94,7% về lượng và tăng 89,6% kim ngạch so với tháng 8/2022, đạt 105.568 tấn, tương đương 50,2 triệu USD; so với tháng 9/2021 thì giảm 5,5% về lượng, nhưng tăng 5,1% kim ngạch.

Tính chung 9 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 5,37 triệu tấn, tương đương gần 2,61 tỷ USD, tăng 17,7% về khối lượng, tăng 7,9% về kim ngạch so với 9 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn, giảm 8,4%.

Theo kế hoạch năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Nhiều khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp lúa gạo đã phần nào phản ánh những đúng thị trường.

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG)

Ghi nhận sự hồi phục của thị trường, trong tháng 9, LTG thu về 2.736 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp thu về 492 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 18%, không thay đổi so với quý III/2021. Trừ các chi phí và thuế, LTG thu về 64 tỷ đồng tiền lãi, tăng 106%.

Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 8.629 tỷ đồng, tăng 21% và lãi ròng 203 tỷ đồng, giảm 22,5%.

Trong cơ cấu doanh thu, ngành lương thực, 1 trong 3 ngành chủ đạo của Công ty, dẫn đầu với 5.025 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu; doanh thu thuốc bảo vệ thực vật đạt hơn 2.980 tỷ đồng (chiếm 34%); thu từ hạt giống cây trồng gần 475 tỷ đồng (chiếm 5%) và các doanh thu khác…

Năm 2022, LTG đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng, như vậy sau 9 tháng đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành gần 50,1% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.

LTG hiện chiếm hơn 20% thị phần ngành thuốc bảo vệ thực vật và là nhà phân phối hạt giống lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Đầu tháng 9, doanh nghiệp này từng gây chú ý khi lần đầu tiên đưa sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu “Cơm Vietnam Rice” tới người tiêu dùng Pháp và xuất hiện tại hệ thống siêu thị bán lẻ E.Leclerc hàng đầu của nước này.

Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – CTCP (Vinafood II, UPCoM: VSF)

Trong quý III, VSF thu về hơn 3.652 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,7% so với quý III/2021. Trừ 3.298 tỷ đồng giá vốn, doanh nghiệp thu về lợi nhuận gộp 354 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 9,7%, tăng so với 6% cùng kỳ năm trước.

Sau thuế, công ty báo lãi 265 triệu đồng, tăng mạnh so với mức âm 97 tỷ đồng quý 3 năm ngoái. Một phần lợi nhuận tăng vọt là do cùng kỳ năm trước ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid 19, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ gạo gặp nhiều khó khăn. Quý II năm nay, Tổng Công ty quyết liệt chú trọng quản lý tốt chi phí, hoàn thành mục tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu mới nên đã mang về lợi nhuận.

Luỹ kế 9 tháng, VSF ghi nhận 10.830 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với 9 tháng 2021. Lợi nhuận ròng ghi nhận hơn 5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 239 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM)

Trong quý III, AGM ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 710.4 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Song song đó, giá vốn giảm 46% khiến lợi nhuận gộp đi lùi 29%, còn hơn 47 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 5.2% lên 6.6%. Sau thuế, AGM báo lỗ gần 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 3,9 tỷ đồng.

Năm 2022, AGM đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỷ đồng, lần lượt gấp đôi và tăng 22% so với kết quả năm 2021. Hết 9 tháng, việc hoàn thành mục tiêu đặt ra đang là vấn đề khá khó với doanh nghiệp.

Luỹ kế 9 tháng, AGM ghi nhận doanh thu thuần 3.092 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ và lỗ ròng 35 tỷ đồng.

Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay những biến động trên thị trường gạo thế giới như chiến tranh, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu dẫn tới nhiều nước phải tính toán lại nhu cầu an ninh lương thực của mình.

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo 9 tháng tăng cả khối lượng và kim ngạch nhưng giá giảm, chia sẻ với người viết, ông Phạm Xuân Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách công tác sản xuất của Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết: “Hiện nay, những ảnh hưởng của biến đổi thời tiết La Nina, thêm sự xung đột giữa Nga và Ukraina và một số nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo. 

Thứ nhất là do giá cả sản xuất cao, chi phí phân bón tăng mạnh, lại thêm sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro khi lúa trỗ bông trong thời gian gặp mưa sẽ bị lép, làm giảm năng suất và sản lượng. 

Thực tế xuất khẩu VIệt Nam hiện nay nội tiêu là chính, nên giá thành bà con nông dân bán cho thương lái rất thấp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới giá xuất khẩu của nước ta không được cao. 

Thứ hai, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn theo đường tiểu ngạch là chính. Với tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay, giá thành vẫn sẽ không được đẩy lên”.

Dự báo 

Theo USDA dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Sản lượng sản xuất tích cực trong niên vụ 2022/23 nhờ thuận lợi về thời tiết. Các vùng trọng điểm lúa nước không bị các khó khăn hạn hán hay mưa bão.

Trong khi đó, thời tiết bất lợi dự báo sẽ làm giảm sản lượng gạo 2022/23 tại Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tổng nguồn cung xuất khẩu gạo của 3 nước này hiện chiếm 49% tổng xuất khẩu gạo cả thế giới.

Tương tự như Thái Lan, Việt Nam đang dần giảm diện tích canh tác lúa và tập trung vào cải thiện chất lượng gạo để có mức giá xuất khẩu cạnh tranh.

Thống kê của USDA, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 6/2016 đến tháng 2/2021 luôn thấp hơn Thái Lan. Song đến từ tháng 2/2021, cục diện đã bắt đầu đảo chiều.

Yuanta cho rằng sản lượng sản xuất lúa gạo trong niên vụ 2022-2023 của Việt Nam khá tích cực nhờ thời tiết thuận lợi, các vùng trồng lúa trọng điểm không bị hạn hán hay mưa bão.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, Việt Nam đủ lượng 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt khoảng 3,2-3,3 tỷ USD. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, thời gian tới, ngành lúa gạo cần nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Chuyên gia VNDirect nhận định, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, chiếm khoảng 7,8% thương mại gạo toàn cầu; và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Giá gạo Ấn Độ với mức thuế cao hơn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và có khả năng khiến người mua chuyển hướng sang gạo Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ Thái Lan đang tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận