Dòng chảy FDI toàn cầu đang thay đổi, theo hướng có lợi cho Việt Nam
Giang 06:00 | 15/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Căng thẳng địa chính trị là một trong những nguyên nhân chính tạo ra biến đổi lớn trong dòng chảy FDI toàn cầu. Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia thu hút được vốn đầu tư từ cả Trung Quốc và phương Tây.
Thay đổi lớn
Căng thẳng Mỹ – Trung cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ đang làm thay đổi dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dữ liệu của World Bank cho thấy FDI đã giảm xuống còn tương đương 1,7% GDP thế giới trong năm 2022. Vào năm 2007, tức ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ này là 5,3%.
Dòng vốn chảy vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang sụt giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2023, FDI vào Trung Quốc đạt 16 tỷ USD, thấp hơn hẳn mức 344 tỷ USD trong cả năm 2021, theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc.
Lượng vốn mà các công ty quốc tế rút khỏi Trung Quốc gần như vượt quá giá trị các khoản đầu tư mới vào nền kinh tế này, Reuters thông tin thêm.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị không phải yếu tố duy nhất khiến dòng vốn đầu tư sụt giảm và thay đổi hướng đi. Lãi suất gia tăng và tăng trưởng kinh tế giảm tốc cũng là các lực cản lớn đến FDI trong những năm gần đây.
Đối với các nền kinh tế đang phát triển, việc chi phí vốn tăng gây ra ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Sau khi tính đến phần bù rủi ro, mức tăng của chi phí vốn đã khiến nhiều cơ hội đầu tư ở những nước này mất sức hấp dẫn. Số dự án năng lượng tái tạo tại các nước đang phát triển đã giảm 25% vào năm ngoái, UNCTAD cho biết.
Tại Trung Quốc, sự giảm tốc của nền kinh tế là một trong những lý do chính khiến vốn đổ vào nước này giảm mạnh, theo ông Jacob Kirkegaard, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE). Việc dân số giảm hai năm liên tiếp cũng báo hiệu triển vọng kinh tế của Trung Quốc sẽ yếu đi.
Nguyên nhân khác khiến vốn đổ vào Trung Quốc giảm sút là các các lệnh hạn chế đầu tư công nghệ cao của Mỹ và các đồng minh, cũng như lo ngại về rủi ro địa chính trị của giới doanh nghiệp đa quốc gia.
Các doanh nghiệp thường ưu tiên đầu tư vào những quốc gia thân thiện. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị nóng lên, xu hướng này càng được đẩy mạnh.
Mỹ và các đồng minh đã triển khai các chiến lược như “friendshoring” và “de-risking”, xây dựng chuỗi cung ứng tại các quốc gia thân thiện nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các mặt hàng chiến lược.
Phương Tây cũng lo ngại về vốn đầu tư mà Trung Quốc rót vào các ngành chiến lược của họ, theo Reuters. Ví dụ, năm 2022, chính phủ Anh mua 50% cổ phần của một nhà máy điện hạt nhân để loại nhà đầu tư Trung Quốc khỏi dự án này.
Các quốc gia công nghiệp lớn trong nhóm G-7 cũng bắt đầu cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1.300 tỷ USD của Trung Quốc. Những nước này đặt mục tiêu tới năm 2028 sẽ huy động tối đa 600 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ai được lợi?
Ông Hung Tran, chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét các nước hưởng lợi nhiều nhất từ những xu hướng trên là các nền kinh tế mới nổi có thể thu hút được vốn đầu tư từ cả Trung Quốc lẫn phương Tây. Ông Hung chỉ ra các ví dụ điển hình là Việt Nam và Mexico.
Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2022, vốn FDI ròng đổ vào Việt Nam và Mexico đều ổn định, lần lượt tương đương với 4,6% và 2,9% GDP, trái với xu hướng sụt giảm của thế giới.
Những nền kinh tế đang phát triển khác không có được kết quả tốt như vậy. Nhiều quốc gia châu Phi có vấn đề về quản trị và ngập trong nợ nần, bị giới đầu tư quốc tế đánh giá thấp. Theo UNCTAD, tổng vốn FDI chảy vào châu Phi năm ngoái chỉ đạt 48 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi bởi châu Phi sở hữu nhiều khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Ông Tim Figures, chuyên gia địa chính trị của Boston Consulting Group, nhận định rằng trong bối cảnh phương Tây và Trung Quốc cạnh tranh nhau vì nguồn cung, châu Phi có khả năng giành được lợi thế và nhận được các khoản đầu tư từ cả hai bên.
Ấn Độ là bức tranh có điểm sáng và điểm tối lẫn lộn. Quốc gia Nam Á này đã thu hút được một số khoản đầu tư đáng chú ý – tiêu biểu là từ Foxconn, công ty Đài Loan lắp ráp phần lớn iPhone của Apple. Nhưng FDI chỉ chiếm 1,5% GDP Ấn Độ vào năm 2022. UNCTAD cho biết FDI vào Ấn Độ đã giảm 47% trong năm 2023.
Một trong những điểm yếu của Ấn Độ là thuế quan cao, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất phải trả nhiều tiền hơn cho linh kiện. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại sử dụng nước này làm trung tâm xuất khẩu.