Đổi mới công tác cán bộ vừa là trách nhiệm vừa là yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều 10:45 | 30/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Việc đánh giá cán bộ một cách toàn diện và thực chất là việc khó, nhạy cảm, phức tạp nên đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác cán bộ phải công tâm, khách quan, tinh tường, luôn đặt lợi ích của tập thể, của quốc gia lên trên hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nhấn mạnh: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước.
Có thể thấy, hệ thống các quan điểm trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong từng thời kỳ cách mạng trước đây và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.
Hơn nữa, công tác cán bộ luôn là khâu “then chốt của nhiệm vụ then chốt” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã dành nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp; qua đó, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay.
Quán triệt tinh thần này, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế quan trọng về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ. Trong đó, đánh giá cán bộ là vấn đề hệ trọng, rất nhạy cảm và phức tạp, là khâu mở đầu quyết định để tuyển dụng, xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ…
Trong Văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”; “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(1). Song việc đánh giá cán bộ hiện vẫn là khâu yếu qua nhiều nhiệm kỳ và chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức. Đặc biệt, thời gian qua đã có không ít cán bộ, kể cả cấp cao bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ được đào tạo cơ bản, đã thử thách qua nhiều cương vị công tác, từng được tôn vinh vì có uy tín, có thành tích nổi trội. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân cán bộ, mà còn làm giảm uy tín và hiệu quả công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị, giảm sút lòng tin của người dân đối với Đảng, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đến sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, cần “phải có con mắt tinh đời trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự”, “đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”. Đánh giá cán bộ cần phải được thường xuyên nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn công tác cán bộ ở cả Trung ương và địa phương, tiếp thu những phương pháp khoa học trong và ngoài nước mới có thể đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả, giúp cho Đảng ta lựa chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, uy tín và năng lực để gánh vác trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Vì lẽ đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ trong thời gian tới, chính quyền và cấp ủy các cấp nên tập trung vào một số vấn đề sau đây:
– Công tác cán bộ thực chất là công tác Đảng. Nói rõ ra, tổ chức Đảng các cấp, cấp ủy và người đứng đầu phải luôn quán triệt và thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện cả về đạo đức và tài năng cho đội ngũ cán bộ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi công việc và trong các mối quan hệ. Chú trọng rèn luyện cán bộ có tinh thần chủ động khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Luôn tự phê bình và luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến của tổ chức và của quần chúng, ham học, ham làm, ham tiến bộ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết đoán trong công việc.
– Cần công khai hóa, dân chủ hóa trong đánh giá cán bộ. Bởi, việc làm thiếu dân chủ, thiếu công khai, công bằng, công tâm, minh bạch trong đánh giá cán bộ… là nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực hiện nay (2).
– Bố trí, đề bạt cán bộ là chọn những người có đức – tài. Bởi chỉ có những người tài đức mới chọn ra người đức tài, điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn, rèn luyện cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp cao, cấp chiến lược. Người làm công tác cán bộ khi đánh giá, xem xét cán bộ phải “tự biết mình”, tức là biết được “sự phải trái của mình”, sửa chữa những khuyết điểm của mình, để “mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”. Cùng với đó, để có cán bộ tài đức vẹn tròn là quá trình dày công dìu dắt của Đảng, nhưng muốn giữ được tài đức thì người cán bộ phải không ngừng tự rèn luyện (3).
– Muốn đánh giá đúng cán bộ thì người đánh giá cán bộ phải là người tốt, trung thực, khách quan, công tâm, vô tư và có lòng thương yêu cán bộ, điều đó rất có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng rèn luyện, đạo đức phẩm chất, lựa chọn đội ngũ người làm công tác cán bộ.
Công bằng mà nói, chưa bao giờ chúng ta có đội ngũ cán bộ trưởng thành như hiện nay. Do đó, hơn bao giờ hết, mỗi người cán bộ phải nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Trong không khí cả nước đang náo nức thi đua đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị, chào mừng, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, thiển nghĩ, việc đánh giá cán bộ một cách toàn diện và thực chất là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, bởi nó liên quan đến con người trong cả một quá trình lâu dài, gắn với việc nhìn nhận thấu đáo cả các nhân tố chủ quan và môi trường, điều kiện khách quan. Điều này đòi hỏi cần có một hệ thống đánh giá phải thực sự khoa học, đồng bộ, đa chiều; nhất là đội ngũ những người làm công tác cán bộ phải công tâm, khách quan, tinh tường, luôn đặt lợi ích của tập thể, của quốc gia lên trên hết.
Trên đây là đôi điều suy nghĩ của tác giả về công tác cán bộ hiện nay để cùng tham khảo.
———
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2021.
(2) Tạp chí Điện tử Lý luận Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ của PGS.TS Phan Trọng Hào, Hội đồng Lý luận Trung ương, 2018.
(3) Bộ Nội vụ: Bác Hồ và công tác cán bộ – Vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng ta trong tình hình mới, 2015.
https://www.facebook.com/v3.0/plugins/like.php?action=like&app_id=&channel=https%3A%2F%2Fstaticxx.facebook.com%2Fx%2Fconnect%2Fxd_arbiter%2F%3Fversion%3D46%23cb%3Df8ff7a93a7bdab4d3%26domain%3Ddoanhnhanvn.vn%26is_canvas%3Dfalse%26origin%3Dhttps%253A%252F%252Fdoanhnhanvn.vn%252Ffd82c55f33f399174%26relation%3Dparent.parent&container_width=0&href=https%3A%2F%2Fdoanhnhanvn.vn%2Fdoi-moi-cong-tac-can-bo-vua-la-trach-nhiem-vua-la-yeu-cau-xay-dung-doi-ngu-can-bo-cac-cap.html&layout=button&locale=en_US&sdk=joey&share=true&size=small&width=