Doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý III sẽ tốt hơn
Thúy Hiền/ TTXVN 16:23 | 19/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Đây là kết quả Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hằng quý do Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự tham gia của 6.114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.056 doanh nghiệp xây dựng.
Tổng cục Thống kê cho biết, theo thông tin từ cuộc khảo sát mới đây, 40,7% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2024 sẽ tốt hơn quý II/2024; 17,1% lo khó khăn hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các khu vực doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan hơn cả, với 43% doanh nghiệp nhìn thấy tình hình tốt hơn. Khu vực FDI đứng thứ hai, với 42,6% cùng quan điểm.
Trong khi đó, chỉ có 39,6% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho rằng, quý III/2024 dễ thở hơn quý II/2024. Tỷ lệ doanh nghiệp thấy khó khăn ở nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng cao nhất, là 17,3% so với 16,4% của khu vực doanh nghiệp nhà nước và 16,8% của khu vực doanh nghiệp FDI.
Đây là kết quả Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hằng quý do Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự tham gia của 6.114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.056 doanh nghiệp ngành xây dựng. Các doanh nghiệp này do Tổng cục Thống kê chọn mẫu.
Dù không phải là khó khăn đầu bảng, nhưng “lãi suất vay vốn cao” lại làm khó thêm nhiều doanh nghiệp hơn so với quý trước. Cụ thể, trong khảo sát quý II/2024, có 22,3% doanh nghiệp thấy khó khăn, tăng 3,9 điểm phần trăm so với quý I/2024. Để giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao cho doanh nghiệp, 50,1% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, 28,2% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục và điều kiện vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 53,4% và 50,4%.
Đây là lý do 28,9% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước hiệu quả, tăng cường tuyên truyền để “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, 26,1% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ,bộ, ngành, địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng lượng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, 24,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic; 23,4% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất cho sản xuất kinh doanh; 22,4% doanh nghiệp kiến nghị phải đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất.
Về thủ tục hành chính, có 31,5% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn đến mức tối đa.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh hơn việc xây dựng hai trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam. Đây là một trong những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những hạn chế của ngành công nghiệp, nhất là về năng lực tự chủ trong sản xuất.
Cùng với đó, các trung tâm hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa…
Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như: công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô-tô, dệt may, da giày, điện – điện tử, chế biến thực phẩm…
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 6/2024 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,7% với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,7% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước.
https://www.facebook.com/v3.0/plugins/like.php?action=like&app_id=&channel=https%3A%2F%2Fstaticxx.facebook.com%2Fx%2Fconnect%2Fxd_arbiter%2F%3Fversion%3D46%23cb%3Df03aac90e73c2f7b8%26domain%3Ddoanhnhanvn.vn%26is_canvas%3Dfalse%26origin%3Dhttps%253A%252F%252Fdoanhnhanvn.vn%252Ffffa12caab8914018%26relation%3Dparent.parent&container_width=0&href=https%3A%2F%2Fdoanhnhanvn.vn%2Fdoanh-nghiep-du-bao-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-quy-iii-se-tot-hon.html&layout=button&locale=en_US&sdk=joey&share=true&size=small&width=