ĐBQH đề xuất dùng 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công ở ngân hàng để hỗ trợ lao động, xây NƠXH, kích thích kinh tế

Tân Thanh 14:46 | 31/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP HCM) đề xuất dùng 1 triệu tỷ đồng ngân sách đang gửi ngân hàng để hỗ trợ ngay cho người lao động hay xây dựng khu nhà ở cho công nhân.

Ngày 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm.

Thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay (31/5), đại biểu Trần Anh Tuấn (TP HCM) cho rằng cần khởi động lại các động lực phát triển qua những dự án đầu tư để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh khó khăn.

“Tuy nhiên thời gian lập, thẩm định các dự án còn dài, phê duyệt dự án còn chậm khiến nguồn lực đưa vào nền kinh tế bị chậm. Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là nguồn lực rất lớn để khuyến kích, kích cầu nền kinh tế, sản xuất và tiêu dùng”, vị đại biểu đánh giá.

 Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP HCM). Ảnh Quốc hội.

Theo đại biểu Tuấn, hiện nay tồn dư ngân sách Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng còn tới 1 triệu tỷ đồng. “Đây là con số dư thừa rất lớn, chúng ta có thể sử dụng linh hoạt hỗ trợ ngay cho người lao động, mất việc làm hay xây dựng khu nhà ở cho công nhân, đào tạo nghề… để ổn định, kích cầu ngay cho nền kinh tế”, đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, vị đại biểu cho biết hiện nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các ưu đãi tín dụng do thủ tục phức tạp. Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó trong các tài sản đảm bảo.

“Cùng với các chính sách như giảm thuế VAT mở rộng cho tất cả đối tượng, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên… cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế”, đại biểu TP HCM nhìn nhận.

Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) dẫn chứng tổng số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng.

“Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm. Hiện nay, các tập đoàn Thái Lan đang sở hữu nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỷ USD tiền cổ tức”, ông nói.

Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, doanh nghiệp đang khát vốn để phát triển nhưng rất khó tiếp cận. Lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn còn ở mức cao hoặc tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục còn nhiều rườm rà nên doanh nghiệp có tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng Chính phủ cần rà soát những vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn”, đại biểu nhìn nhận.

Theo đó, ông đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh.

Trước tiên, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp. “Bên cạnh đó cần khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp”, vị đại biểu đề nghị.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

  Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh Quốc hội.

Cũng đề cập tới lãi suất vay cao khiến dòng vốn doanh nghiệp bị “tắc”, bà Tô Ái Vang, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Sóc Trăng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tín dụng linh hoạt hơn, là giao tổng room tín dụng từ đầu năm cho các nhà băng và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng.

“Việc điều hành tiền tệ cần tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột, khiến doanh nghiệp vỡ kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh”, bà Ái Vang lưu ý.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Trước đó, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc tồn ngân quỹ lớn chủ yếu do tắc nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Hiện số tiền này được gửi tại Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm. Ông Phớc cho rằng, phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này.

Tình trạng lao động bị giãn việc, giảm giờ làm, mất việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất cũng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ghi nhận.

Theo báo cáo của cơ quan này, quý I năm nay, số lao động nghỉ giãn việc gần 294.000 người, giảm 2.000 người so với cuối 2022 và đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (83%).

Nhưng số lao động mất việc là 149.000 người, tăng 39.000 người so với quý trước, tập trung ở ngành dệt may (19%); da giày (18%), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử (17%). Lao động mất việc, giảm giờ làm tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai 32.600 người, Bình Dương 21.700 lao động, Bắc Ninh và Bắc Giang lần lượt 14.000 người và 7.700 người.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận