CNBC: Việt Nam có triển vọng hút đầu tư khi các hãng chip xem xét ‘rút một chân’ khỏi Trung Quốc
Hơn 30 doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị cấm mua linh kiện Mỹ
Tờ Financial Times đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ sẽ sớm bổ sung hãng chip hàng đầu Trung Quốc Yangtze Memory Technologies và 30 công ty khác vào danh sách đen.
Cụ thể, các doanh nghiệp này sẽ bị cấm mua công nghệ từ các nhà cung cấp Mỹ, trừ phi được nhận giấy phép đặc biệt từ Bộ Thương mại Mỹ. Biện pháp này trước đó đã được dùng để giáng đòn vào mảng sản xuất smartphone Huawei và sau này là kìm hãm sự phát triển của hãng chip nội địa Trung Quốc SMIC.
Hồi tháng 10, Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp hạn chế khả năng Trung Quốc mua sản phẩm bán dẫn và thiết bị sản xuất chip của Mỹ. Khi đó, Bộ Thương mại Mỹ đưa 31 công ty này vào Danh sách Không được Xác minh. Việc này đồng nghĩa giới chức Mỹ không thể xác minh các công ty này có liên quan đến quân đội Trung Quốc hay không. Các doanh nghiệp này sẽ có 60 ngày để chứng minh việc kinh doanh của họ không đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Trong họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh ngày 14/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cáo buộc Mỹ “đã chính trị hóa và vũ khí hóa hợp tác kinh tế”. Ông Wang quan ngại hành động của Mỹ sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khẳng định Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.
Nhiều nhà sản xuất muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc
Theo CNBC, tháng 10 năm nay, Mỹ bắt đầu yêu cầu các công ty phải có giấy phép xuất khẩu con chip hiện đại hoặc các thiết bị sản xuất liên quan sang Trung Quốc. Các công ty cũng phải có được sự cho phép của Chính phủ Mỹ nếu muốn sử dụng thiết bị Mỹ để sản xuất con chip cao cấp bán cho Trung Quốc. Hãng sản xuất thiết bị làm chip ASML của Hà Lan cho biết nhân viên của hãng ở Mỹ đã bị cấm cung cấp một số dịch vụ cho các nhà máy sản xuất chip tiên tiến.
Trong bối cảnh như vậy, các công ty bán dẫn đã và đang nỗ lực tìm hướng đi mới. Các “ông lớn” ngành sản xuất chip như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hay Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc đã xin được tạm hoãn áp dụng lệnh trên trong 1 năm để tiếp tục đưa thiết bị sản xuất chip Mỹ sang các nhà máy của họ tại Trung Quốc.
Những hạn chế mà Mỹ đưa ra là thay đổi mới nhất trong hàng loạt biến động mà ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới phải trả qua. Trong những năm gần đây, nhiều hãng chip đã phải đối mặt với giá nhân công tăng tại Trung Quốc, kèm theo sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp hạn chế chống Covid-19 mà nước này đưa ra. Những hãng sản xuất chip vốn chỉ tập trung vào Trung Quốc nay đang tìm kiếm cơ hội mới để đưa dây chuyền sản xuất sang những nơi khác, và địa điểm họ hướng tới là các quốc gia lân cận – chuyên gia Jan Nicholas của Deloitte chia sẻ.
Ông Nicholas cũng cho biết Đông Nam Á đã trở thành một sự lựa chọn hiển nhiên cho những nhà máy chip muốn chuyển dịch một phần sản xuất khỏi Trung Quốc. “Khi doanh nghiệp đưa ra những quyết định đầu tư lớn, họ thường có khuynh hướng tránh những tình huống rủi ro. Khi sự bấp bênh càng lớn, doanh nghiệp càng muốn dịch chuyển đến nơi có sự chắc chắn cao hơn”.
CNBC nhận định, đối với các nhà sản xuất con chip trên toàn cầu, Việt Nam đã và đang nổi lên như một điểm đầu tư tiềm năng. Việt Nam đã đầu tư hàng tỷ USD cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2022, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới Samsung đã cam kết đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam, hãng này dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ tháng 7/2023.