CIEM dự báo 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2023
Trang Nguyễn 15:24 | 13/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam
Tại hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023” được tổ chức sáng ngày 12/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo nếu tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6,8% năm 2023.
Sáng ngày 12/1, Hội thảo công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023 được phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ từ Chính phủ Đức thông qua Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Theo các chuyên gia tại hội thảo, năm 2022 đã chứng kiến một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt, mở đường cho một loạt xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới. Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng ngay từ đầu năm, khi một số nền kinh tế chủ chốt tiếp tục bình thường hóa lãi suất sau khi nới lỏng trong giai đoạn COVID-19. Xung đột Nga – Ukraine bùng phát từ tháng 2/2022 và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng của nhiều hàng hóa cơ bản. Giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới liên tục tăng nhanh, ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng ở nhiều nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế hàng đầu. Xu hướng liên minh đối đầu – trả đũa giữa các siêu cường gia tăng phức tạp hơn.
Dù vậy, các nền kinh tế đã có nhiều nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế, tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên các lĩnh vực như phát triển bền vững, các diễn đàn đa phương…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ánh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM – cho biết việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023 được thực hiện quyết liệt. Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm chi phí sử dụng xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân…
Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 13,67% trong quý III/2022,và 5,92% trong quý IV/2022. Tính chung cả năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 8,02%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6-6,5%).
Theo đó, hoạt động đầu tư đã có sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ, thể hiện qua tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021 vàcao hơn so với tốc độ tăng đầu tư trước dịch COVID-19. Đầu tư của khu vực nhà nước tăng nhanh nhất (14,6%), tiếp đó là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (13,9%). Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, song giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn tương đối chậm so với kế hoạch năm 2022.
Tổng lượng vốn FDI đăng ký tính đến 20/12/2022 đạt 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng điểm sáng là vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 13,7% so với 2021, và tăng 10% so với 2019. Việt Nam đang cho thấy hình ảnh một quốc gia đang nỗ lực hiện thực hóa những cam kết mạnh mẽ và định hướng rõ ràng từ Hội nghị COP26 về thu hút đầu tư chất lượng cao hướng đến nền kinh tế trung hòa các bon và tăng trưởng xanh.
Hoạt động xuất khẩu của cả nước giữ đà tăng trưởng dương, dù có xu hướng chậm lại nửa cuối năm 2022. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,4%, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4%. Cán cân thương mại đạt thặng dư, ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD, ghi dấu ấn xuất siêu 7 năm liên tiếp (theo số liệu công bố ngày 29/12/2022 của Tổng cục Thống kê). Còn theo số liệu mới nhất (công bố ngày 9/1) của Tổng cục Hải quan, tính cả năm 2022, Việt Nam đã xuất siêu 12,4 tỷ USD.
Ông Dương viện dẫn một số số liệu khác phản ánh đà phục hồi của nền kinh tế chung, như lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,1 triệu người trong năm 2022, tăng 1,4 triệu người so với năm 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2021. Tuy vậy, trong quý III/2022, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ có xu hướng gia tăng, trong đó, thiếu hụt cục bộ với lao động phổ thông chiếm 72,8%; lao động có tay nghề chiếm 27,2%. Sang đến quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 tăng 3,15%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong đó, CPI bình quân tăng 3,32% trong quý III/2022 và 4,41% trong quý IV/2022. Nhóm giao thông có chỉ số giá tăng cao nhất (tăng 11,27% so với cùng kỳ năm 2021), tiếp đến là nhóm ăn uống ngoài gia đình (tăng 4,94%), nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 3,11%). Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2022 tăng 2,59%, thấp hơn mức lạm phát tổng thể. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản liên tục tăng cao từ quý III/2022.
“Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt đáng kể so với tiềm năng trong quý II/2022 và quý III/2022, xu thế tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần liên tục kể từ 2016 đến hết năm 2022, qua đó phản ánh các cải cách về phía cung (chất lượng tăng trưởng) chưa tương xứng”, ông Dương nhận định.
Tại hội thảo, CIEM đã đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2023.
Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%, xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD. Ở kịch bản này, lạm phát sẽ ở mức 4,08%.
Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tích cực hơn lên mức 6,83%, xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.
“Nếu tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, kịch bản 2 có thể là mục tiêu đạt được”, ông Nguyễn Anh Dương nhận định.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ánh Dương cũng nêu ra một vấn đề đáng lưu tâm: “Các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế mới, thì vấn đề là doanh nghiệp thì muốn mô hình kinh tế mới, nhưng cơ quan quản lý thì sợ rủi ro. Muốn ban hành chính sách mới thì (doanh nghiệp) phải có bằng chứng, nhưng chưa cho làm thì làm sao có bằng chứng?
Nên vấn đề ở đây là làm sao phải có cơ chế thử nghiệm ở quy mô nhỏ để thử nghiệm những ý tưởng chính sách mới, và trên cơ sở đấy mới có thực tiễn để tổng hợp được. Thì cách tiếp cận với FinTech (tài chính công nghệ) và kinh tế tuần hoàn cần theo hướng đó”.