Chuyên gia SSI lý giải thất bại của các doanh nghiệp niêm yết đem tiền đầu tư chứng khoán theo kiểu ‘tay ngang’

Thu Thảo 18:47 | 04/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Theo chuyên gia, các doanh nghiệp dùng phương pháp mua những cổ phiếu thật tốt và nắm giữ thay vì “đánh nhanh rút gọn”. Do đó, khi thị trường biến động nhanh, họ không nắm rõ thông tin của thị trường chứng khoán dẫn đến không kịp đưa ra các phương án hành động.

Giai đoạn 2020 – 2021 khi thị trường chứng khoán thăng hoa, “bữa tiệc chứng khoán” không chỉ là cuộc chơi đầy hăng say của các nhà đầu tư cá nhân mà nhóm các tổ chức cũng góp mặt với vai trò đầu tư kiểu “tay ngang”. Khi đó, hiện tượng các doanh nghiệp niêm yết kiếm bộn tiền nhờ sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi để đầu tư và kiếm lời từ chứng khoán  không phải là điều gì quá xa lạ.

Tuy nhiên khi thời đại “tiền rẻ” qua đi và thị trường chỉnh sâu, những nhà đầu tư “tay ngang” này đang chịu mức lỗ 30 – 50%, mức lỗ gấp bằng lần so với các quỹ đầu tư.

Điển hình như Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons vừa ra báo cáo kết quả kinh doanh quý II cho thấy đây lại một quý làm ăn bết bát. Không chỉ gặp khó trong lĩnh vực kinh doanh chính, báo cáo tài chính chỉ ra doanh nghiệp còn cầm tiền đầu tư chứng khoán và cũng đang lỗ. Trong giai đoạn vừa qua rất nhiều doanh nghiệp có hành động như vậy vì vấn đề kinh doanh cốt lõi bị ảnh hưởng.

  Ông Trần Đăng Nam, Giám đốc Dự án Môi giới cá nhân Chi nhánh Hà Nội CTCP Chứng khoán SSI. (Ảnh chụp màn hình). 

Trả lời vấn đề này, ông Trần Đăng Nam, Giám đốc Dự án Môi giới cá nhân Chi nhánh Hà Nội CTCP Chứng khoán SSI cho rằng trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 vừa rồi, lĩnh vực kinh doanh chính của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, vốn lưu động bắt đầu bị thừa ra.

Ông Nam dẫn chứng lâu nay vốn lưu động để nhập hàng hóa nhằm sẵn sàng phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng bây giờ đơn hàng ít đi do đứt gãy của chuỗi cung ứng dẫn đến các doanh nghiệp có một khoản tiền thừa ra. Nếu gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất thấp cũng không hiệu quả, và trong thời gian đó các “tay ngang” tìm đến kênh đầu tư chứng khoán mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Nhưng thay vì “đánh nhanh rút gọn”, họ lại dùng phương pháp mua những cổ phiếu thật tốt và nắm giữ (hold). Khi thị trường biến động nhanh, họ không nắm rõ thông tin của thị trường chứng khoán dẫn đến không kịp đưa ra các phương án hành động. Ví dụ như biến động của thị trường chứng khoán nhanh hơn thị trường hàng hóa rất nhiều, do vậy khi mọi thứ thay đổi đột ngột doanh nghiệp đã trở tay không kịp.

Ngoài ra cũng có một yếu tố cần nhắc đến là đôi khi người đem tiền đầu tư không phải chủ doanh nghiệp mà lại là người làm công. Khi đã ghi nhận lỗ trạng thái trên tài khoản đầu tư, họ sợ chủ doanh nghiệp khiến trách nên đưa ra hành động là tiếp tục hold và chờ hồi lại.

Những nhà đầu tư này đang quen nhịp “giảm – hồi phục – có lãi” nên khi cốt lõi thay đổi, không còn xuất hiện những nhân tố giữ nhịp thì càng ngồi chờ lại càng lỗ. Đó là hiện trạng hiện nay của những “tay ngang”.

  Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI. (Ảnh chụp màn hình). 

Phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường thường quan tâm đến con số lãi/lỗ theo giá trị phần trăm. Tuy nhiên, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cho rằng việc nhìn vào những con số tính theo % nhiều khi không thể hiện bản chất.

“Nhiều người nghĩ rằng khi cổ phiếu của mình tăng 500%, sau giai đoạn này giảm 40%, họ nghĩ 40% so với 500% đâu có đáng là bao nhiêu nhưng sự thật không phải như vậy.

Ví dụ như cổ phiếu của chúng ta tăng từ 0 lên 500% và mất 40% từ đỉnh thì 40% đó tương đương với 200% một con số rất lớn. Cho nên tôi nghĩ việc tính toán phải tính rất cụ thể chứ không tính con số theo tỷ lệ phần trăm khiến nhiều khi chúng ta không nhìn nhận chính xác được mức độ thiệt hại trong lúc thị trường giảm”.

Thông tin thêm về diễn biến thị trường, mối quan tâm mới đây của nhà đầu tư là việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán có chu kỳ thanh toán T+2 theo nội dung dự thảo quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đang trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, phê duyệt, thời gian đề xuất bắt đầu áp dụng từ thứ Hai ngày 29/8/2022.

Theo đó sự kiện này được kỳ vọng sẽ giúp nhóm chứng khoán bùng nổ hơn trong thời gian tới. Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Đăng Nam cho rằng việc rút ngắn chu kỳ thanh toàn thực tế làm tăng vòng quay nghĩa là cùng một nhà đầu tư thường một tháng quay được 2 vòng hay 3 vòng, càng rút ngắn được thì vòng quay sẽ làm cho thị trường càng ngày càng sôi động và cùng lúc đó giảm thiểu được rủi ro. Ví dụ như nếu có những biến động về thông tin hoặc những biến động đột xuất, nhà đầu tư hoàn toàn có thể bán cổ phiếu sớm hơn 1 ngày, dẫn đến đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư tốt hơn.

Còn theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, nếu xét về lý thuyết, chỉ cần giao dịch giảm đi nửa ngày thì lượng quay vòng có thể tăng lên 25%. Và giao dịch thì không chỉ có phí giao dịch mà còn phải đi kèm với margin và nhiều thứ khác nữa.

“Tôi nghĩ về mặt lý là khá tích cực đối với một công ty chứng khoán khi chu kỳ thanh toán và chu kỳ cổ phiếu giảm đi. Nhưng cũng phải nói thêm một ý nữa là việc này thậm chí còn tích cực hơn đối với khối các nhà đầu tư tư nhân, chứ đối với các nhà đầu tư tổ chức việc giảm nửa ngày không có nhiều ý nghĩa”.

Liên quan đến việc sử dụng margin, chuyên gia đánh giá việc rút ngắn chu kỳ thanh toán có thể ảnh hưởng đến margin tùy vào cách nhà đầu tư sử dụng nó. Có những người tài khoản luôn trong trạng thái full margin, bán xong mua lại ngay thì sự thay đổi này không ảnh hưởng gì vì họ dùng liên tục.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận