Chuyên gia nói gì trước đề xuất “Bỏ độc quyền vàng miếng”?
Trang Mai 15:25 | 23/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Theo PGS TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế, cho rằng trong lĩnh vực kinh tế, nếu có một nhà độc quyền xuất hiện thì sẽ tạo nên 3 điều. Một là tăng giá, hai là thủ tiêu cạnh tranh và ba là tình trạng đầu cơ lũng đoạn không chỉ trên thị trường mà cả chính sách.
Theo khảo sát, sáng 23/3, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC giảm mạnh ở chiều mua vào xuống 77,7 triệu đồng, thấp hơn 1,1 triệu đồng sau một ngày. Trong khi đó, SJC giảm 800.000 đồng ở chiều bán ra, xuống triệu đồng. Điều này đưa chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng tăng lên 2,3 triệu đồng thay vì chỉ ở mức 2 triệu đồng/lượng như những ngày qua.
Tương tự, Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm giá vàng miếng từ 950.000 – 1 triệu đồng khi mua vào xuống 77,6 triệu đồng và bán ra 79,7 triệu đồng…
Tổng cộng chỉ sau 2 ngày, giá vàng miếng SJC đã giảm 2,3 triệu đồng ở chiều mua và giảm 2 triệu đồng ở chiều bán ra. Tốc độ giảm giá của vàng miếng SJC cao hơn nhiều so với đà đi xuống của thế giới, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng.
Theo TTXVN, tối 20/3, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã báo cáo về thị trường vàng miếng và thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo NHNN, hiện nay không còn tình trạng bất ổn thị trường vàng như giai đoạn trước, tình trạng “vàng hóa” được hạn chế. Biến động của giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô trong nước. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế vẫn ở mức cao.
Vì vậy, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Theo đó, từ năm 2014 đến nay cơ quan này chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao.
Bỏ độc quyền có khiến vàng SJC “hạ nhiệt”?
Trao đổi với phóng viên, PGS TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế cho rằng trong lĩnh vực kinh tế, nếu có một nhà độc quyền xuất hiện thì sẽ tạo nên 3 điều. Một là tăng giá. Hai là thủ tiêu cạnh tranh và ba là tình trạng đầu cơ lũng đoạn không chỉ trên thị trường mà cả chính sách.
“Đây là điều thực tiễn phát triển kinh tế các nước đã chỉ ra. Nếu bỏ được rào cản của độc quyền thì sẽ bỏ được tình trạng đầu cơ, tích trữ, tình trạng hạn chế cạnh tranh và đặc biệt là làm cho người mà tiêu dùng, người mua kim khí quý sẽ mua với đúng giá công bằng, thay vì giá quá cao và dẫn đến bị thiệt hại. Tôi nghĩ bỏ cái đó (sự độc quyền vàng miếng – PV) là phù hợp theo xu hướng tự do hóa, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng”.
Trước một vài ý kiến cho vàng động thái xoá bỏ độc quyền vàng miếng sẽ giúp hạ giá thành vàng SJC, rút ngắn khoảng cách với các loại vàng khác, chuyên gia Lạng cho rằng có nhiều yếu tố để chi phối đến mối quan hệ giữa giá trong nước với giá quốc tế và giá của các mặt hàng vàng, các thể loại khác nhau.
“Nếu chúng ta bỏ được độc quyền này thì cũng là giảm áp lực để tăng giá, còn có giảm giá hay không thì chắc là còn có nhiều yếu tố nữa, chẳng hạn cầu chẳng hạn, nếu cầu tăng thì chưa chắc giá đã giảm”, PGS TS nói và bổ sung thêm: “Nhưng tôi cho rằng nếu như mình tăng nguồn cung qua một ngưỡng nhất định thì có thể dẫn đến giảm giá và đây là điều hay nhất, tức là chúng ta mở khả năng cung cấp lên, tăng đầu mối để nhập khẩu vàng, cho phép các nhà cung ứng vàng có thể được vận hành một cách tự do và bình đẳng.
Việc có độc quyền vàng miếng SJC nữa hay không sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý cân nhắc và xem xét. Tuy nhiên, có độc quyền hay không thì mục tiêu cuối cùng phải đạt được ổn định thị trường vàng, ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong mua bán, tích trữ vàng. Bởi đến nay việc sử dụng vàng để định giá, để huy động thanh toán hoặc cho vay đã được gỡ bỏ, mà chủ yếu là nhu cầu mua vàng làm trang sức, hoặc mua vàng để tích lũy tài sản.