Chuyên gia Data Center CMC chia sẻ kinh nghiệm đạt chuẩn trung tâm dữ liệu quốc tế

146

Sáng 17/2, Giám đốc Data Center (DC) của CMC Telecom đã chia sẻ kinh nghiệm chọn chuẩn cho DC và quá trình thực thi tại CMC Telecom trong Hội nghị phổ biến Thông tư 23/2022/TT-BTTTT mới về trung tâm dữ liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Thông tư mới “hậu thuẫn”, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư

Cuối tháng 11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/1/2013 quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu (Data Center/DC) tại Việt Nam. Nhằm phổ biến kịp thời các quy định mới, giúp doanh nghiệp (DN) nắm rõ và thực hiện hiệu quả, sáng ngày 17/2, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị về trung tâm dữ liệu tại Tòa nhà Cục Viễn thông.

Thông tư 23 có một số điểm mới như: Việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là bắt buộc với các DN thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác trung tâm dữ liệu để cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu; Bổ sung việc áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia mới TCVN 9250:2021 hoặc 2 tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới là ANSI/TIA-942-B:2017 hoặc tiêu chuẩn Uptime Institute; Cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông (QCVN 32:2020/BTTTT); Cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp đất cho các trạm viễn thông (QCVN 9:2016/BTTTT); Cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2021/BXD).

“Thông tư 23 đã được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển công nghệ. Trong quá trình xây dựng thông tư 23, chúng tôi đánh giá rất cao các đơn vị doanh nghiệp đã đóng góp nhiều nội dung hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước của Bộ cũng như cho các doanh nghiệp khác cùng nhau học tập và áp dụng”, ông Lê Xuân Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ chia sẻ tại hội nghị.

Đại diện CMC Telecom tham dự hội nghị, ông Lê Minh Hiếu, Giám đốc CMC Data Center cho biết: “Việc Bộ TT&TT ban hành Thông tư mới sửa đổi, bổ sung quy định về trung tâm dữ liệu là rất kịp thời. Thông tư 23 giúp các doanh nghiệp như CMC Telecom tiếp tục mạnh dạn đầu tư, nâng cấp và cập nhật các công nghệ mới.”

 Ông Lê Minh Hiếu là 1 trong 3 người Việt Nam đầu tiên sở hữu chứng chỉ cao cấp nhất về DC (CDCE – Certified Data Center Expert)

Uptime hay ANSI/TIA-942?

Theo đại diện CMC Telecom, hiện nay, Uptime và ANSI/TIA-942 là hai tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực DC. Tuy nhiên, giữa hai tiêu chuẩn này có một số điểm khác nhau trong cách đánh giá, cấp chứng chỉ.

ANSI/TIA-942 là tiêu chuẩn dùng để đánh giá các khía cạnh của DC vật lý bao gồm hệ thống viễn thông, kiến trúc, hệ thống điện, hệ thống lạnh.

Uptime Tier là hệ thống đánh giá uy tín nhất trên thế giới cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý và sự ổn định về dịch vụ của DC. Chuẩn “Tier” của đơn vị này được công nhận rộng rãi trên toàn cầu và chia làm 4 cấp độ: Tier 1, Tier II, Tier III, Tier IV. Tier III là cấp độ cao nhất mà các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt được.

Bảng so sánh 2 tiêu chuẩn đánh giá DC: Uptime và TIA-942

DC Tân Thuận đạt chứng chỉ DC TCCF đầu tiên của Uptime tại Việt Nam

Tháng 5/2022, CMC Telecom đã đưa vào vận hành DC Tân Thuận (TP.HCM) với diện tích 10.000m² cung cấp 1.200 rack, công suất điện lớn lên tới 20kw/rack. DC Tân Thuận có chứng chỉ bảo mật thanh toán PCI DSS, chứng chỉ TVRA – chứng chỉ bảo mật và phòng chống rủi ro cao nhất cho DC. Đây là DC đầu tiên tại Việt Nam sở hữu bộ chứng chỉ Tier III chính thức cao cấp hàng đầu thế giới của Uptime cả về thiết kế, xây dựng Trung tâm dữ liệu: TCDD (Tier III Certification Design Documents) và TCCF (Tier III Certification Constructed Facility).

 DC Tân Thuận là DC đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 2 chứng chỉ chính thức Tier III của Uptime: TCDD và TCCF

Để lấy được chứng chỉ TCCF, CMC Telecom phải đảm bảo đặt được các điều kiện nghiêm ngặt: Thi công theo đúng thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt trong chứng chỉ thiết kế Tier III TCDD; Tất cả thiết bị lắp đặt thực tế phải trùng khớp 100% với các thiết bị được tuyên bố sử dụng trong khâu thiết kế khi nộp thiết kế chứng chỉ TCDD. Những thiết bị này đều mang mã định danh và được kiểm tra trực tiếp từng chi tiết một; Phải vượt qua 116 bài kiểm tra vận hành thực tế để chứng minh việc đảm bảo hiệu quả hoạt động ở chế độ hoạt động bình thường, nâng cao, chế độ cách ly thiết bị ra để bảo dưỡng, sửa chữa, chế độ đặc biệt khi có sự cố.

 CMC Telecom chia sẻ quá trình DC Tân Thuận vượt qua 116 bài test với đoàn đánh giá của Uptime Institute tại hội nghị

“Việc được Uptime Institute “điểm mặt chỉ tên” trên hệ thống bản đồ DC đạt chuẩn quốc tế Tier III toàn cầu ngay khi chưa ra mắt đã khiến chúng tôi tự hào nhận ra rằng, các kỹ sư công nghệ người Việt hiện nay hoàn toàn có thể sánh ngang với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu”, ông Lê Minh Hiếu chia sẻ tại hội nghị.

Đại diện CMC Telecom khẳng định, năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam. Nguồn dữ liệu phát sinh ngày càng lớn được tạo ra bởi quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số ở Việt Nam cần nơi lưu trữ. Với việc sớm đầu tư xây dựng hệ sinh thái 3 DC hiện đại, nền tảng điện toán đám mây “make-in-Vietnam” CMC Cloud linh hoạt, hạ tầng số của CMC Telecom kỳ vọng góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, hướng tới mục tiêu này.

Thúy Ngà

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận