Chân dung Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính – “Ông trùm” công nghệ Việt Nam từng phá sản và tham vọng trở thành doanh nghiệp tỷ đô

Ngày 12/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022” cho ông Nguyễn Trung Chính, một trong 10 doanh nhân được nhận giải thưởng danh giá này. Theo như chia sẻ của vị doanh nhân này, ông đã rất dũng cảm khi quyết định từ bỏ vị trí “thanh cao” là làm cán bộ nhà nước để trở thành “con buôn”, và từng gặp khó vì chính sách “ưu đãi ngược”.

avatar

Cao Chí Cang25/10/2022(0)

nguyen-trung-chinh-cmc-1666839690.jpg
 

Ông Nguyễn Trung Chính là ai?

Ông Nguyễn Trung Chính sinh ngày 03-11-1963 tại tỉnh Nam Định. Ông là kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông, từng tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (Hose: CMG) – tập đoàn công nghệ lớn thứ hai tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư Mỹ Linh – đơn vị nắm giữ 4,13% cổ phần của CMG trị giá gần 250 tỷ đồng. Bản thân ông Chính chỉ sở hữu gần 0.76% cổ phần của tập đoàn, giá trị khoảng hơn 45 tỷ đồng. Vợ ông là bà Lê Minh Thủy và có một người con là Nguyễn Mỹ Linh. Không như những vị chủ tịch khác, các thành viên trong gia đình của ông Chính đều không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của công ty. 

Năm 18 tuổi, ông Chính tham gia nghĩa vụ quân sự có thời hạn hai năm tại Binh chủng Kỹ thuật thông tin. Sau khi xuất ngũ, ông quyết định quay trở lại con đường học vấn, và trở thành sinh viên của khoa Kỹ thuật điện tử tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Vừa mới tốt nghiệp chưa đầy một năm, ông đã trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia. Năm 1991, ông là một những thành viên tham gia thành lập Trung tâm ADCOM – đơn vị trực thuộc Viện ra đời với mục đích ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động như: tự động hóa, điều khiển và viễn thông. Chỉ hai năm sau, ông Nguyễn Trung Chính cùng ông Hà Thế Minh, người đang là giám đốc của ADCOM khi ấy, quyết định thành lập Công ty TNHH HT&NT, với số tiền 500 triệu ban đầu. Công ty tập trung vào việc sản xuất, lắp ráp, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm điện tử và tin học, phát triển các phần mềm ứng dụng. Đến năm 1995, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Máy tính Truyền thông CMC, đây cũng chính là tiền thân của Tập đoàn Công nghệ CMC ngày nay.

Mất hết tất cả vì lửa, phá sản vì thuế, bị sốc vì khủng hoảng

Thời gian phục vụ tại ngũ ở Binh chủng Kỹ thuật thông tin đã giúp ông Nguyễn Trung Chính nhận ra niềm đam mê cháy bỏng của mình với chuyên ngành học về máy tính. Khi bước vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông quyết định không chọn ngành vô tuyến – lĩnh vực được xem là “hot” nhất thời điểm đó, vừa ra trường là có việc làm và kiếm được rất nhiều tiền. Mà ông đã lựa chọn đi theo đam mê của mình – ngành vi điện tử, lĩnh vực ít có người chọn học vì sử dụng toán rất nhiều. Năm 1991, ông đã kiếm được 5.000 USD/tháng từ việc cho thuê đất ở Tây Hồ, chứ chưa kiếm được nhiều tiền từ ngành học. Tuy nhiên, nhờ vào niềm đam mê của mình mà ông tốt nghiệp loại giỏi và được làm việc tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia. Tại đây, chàng kỹ sư vừa mới ra trường đã có cơ hội tham gia vào việc chế tạo máy tính “Make in Vietnam” – một dự án bảo mật cấp quốc gia. 

chan-dung-chu-tich-tap-doan-cmc-nguyen-trung-chinh-ong-trum-cong-nghe-viet-nam-tung-pha-san-vi-thue-5-1666625186.jpg

Hình ảnh ông Nguyễn Trung Chính vào những năm đầu trở thành “con buôn” (Nguồn ảnh: Cafebiz.vn)

Năm 1988, 100 chiếc “Máy tính Bác Tô” (lấy theo tên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) được ra đời và phục vụ cho cơ quan nhà nước. Nhưng ông Chính và các đồng nghiệp của mình nhận thấy rằng, chiếc máy tính (PC) vừa sản xuất chưa có công nghệ và chất lượng tốt nhất, nên thuê Đài Loan sản xuất bo mạch chủ. Vì đây là dự án có tính bảo mật cao nên tất cả tài liệu đều phải ở trụ sở của Viện, nhân viên không được mang về nhà. Đến ngày các kỹ sư vừa hoàn thiện bo mạch chủ để đưa sang Đài Loan sản xuất, thì Viện lại…bị cháy. Tất cả mọi thứ như: công nghệ, dữ liệu, nghiên cứu,…và cả niềm đam mê của tất cả thành viên trong đội ngũ nghiên cứu của ông Chính đều chìm trong biển lửa. Vụ cháy đã làm thiệt hại con số lên đến 500.000 USD thời điểm đó, tương đương 500 triệu USD hiện nay. Và điều tiếc nuối nhất, đó là Việt Nam mất đi cơ hội sản xuất được chiếc máy vi tính đầu tiên năm 1989, khiến cho nước ta lỡ mất thời cơ trở thành một trong những quốc gia tiên phong về công nghệ.

Sau vụ cháy, ông Nguyễn Trung Chính và ông Hà Thế Minh (cố Chủ tịch CMC, khi đó là Trưởng phòng) bị thất nghiệp suốt gần hai năm trời. Cả hai quyết định xin thành lập Trung tâm ADCOM để có thể tự kiếm sống, và đến khi Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời vào năm 1993, hai nhà sáng lập quyết định trở thành “con buôn”. Ông Chinh từng nói rằng: “Thành lập doanh nghiệp là quyết định dũng cảm. Bởi không ai từ nơi rất thanh cao, theo nghĩa của thời bao cấp là làm ở cơ quan nhà nước, lại nhảy sang làm tư nhân, bị coi là con buôn”. Giai đoạn đầu, ông Chính được sự giúp đỡ của một người Việt kiều Mỹ đem máy tính về cho công ty bán. Dần dần máy tính bắt đầu xuất hiện nhiều ở Việt Nam, nên hai nhà sáng lập chuyển sang sửa chữa và tư vấn cho khách hàng. Nhờ vào kỹ năng chuyên môn được tích lũy trong quá trình nghiên cứu chế tạo máy tính từ lúc còn ở Viện, công ty HT&NT nhanh chóng phát triển trở thành một đơn vị uy tín trên thị trường. Đến năm 1998, ông Chính thành lập siêu thị bán lẻ hàng điện tử đầu tiên tại Việt Nam – Blue Sky, mô hình tương tự như TGDĐ hiện nay. Cửa hàng nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, nhưng chưa đầy một năm thì rơi vào tình thế khó vì sự cạnh tranh không lành mạnh với các cửa hàng khác. Cụ thể, năm 1999, Việt Nam bắt đầu áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT), các cửa hàng trốn thuế xuất hiện với giá bán thấp hơn, trong khi các cửa hàng của ông vẫn tuân thủ, chính điều này khiến Blue Sky của ông Chính không thể cạnh tranh được về giá nên dẫn đến việc phá sản chỉ sau thời gian ngắn hoạt động.

chan-dung-chu-tich-tap-doan-cmc-nguyen-trung-chinh-ong-trum-cong-nghe-viet-nam-tung-pha-san-vi-thue-2-1666625431.jpg

Trong giai đoạn này, ông Nguyễn Trung Chính được Intel mời đi học tập, khảo sát tại Trung Quốc. Khi tới nơi, ông thấy rằng chỉ có máy tính Legend (Lenovo sau này) và mới ở trình độ lắp ráp, còn lại tất cả công nghệ lõi vẫn do Mỹ làm chủ và sản xuất. Sau khi về nước, ông cùng cộng sự của mình quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ máy tính Thế Trung (nay là CMS) để kinh doanh và lắp ráp máy tính thương hiệu Việt. Đến năm 2003, công ty đã có được nhà máy sản xuất lắp ráp máy tính thương hiệu CMS-Hanel, công nghệ tương tự như của Legend. Mặc dù cùng điểm bắt đầu, nhưng CMS lại không được phát triển như thương hiệu của Trung Quốc. Thời điểm đó, chính sách của nhà nước hoàn toàn không có ưu đãi nào dành cho công ty sản xuất máy tính, đặc biệt là khu vực như tư nhân như CMS. Chẳng những không hỗ trợ, nhà nước còn thực hiện “ưu đãi ngược”, khi máy tính nhập nguyên chiếc được hưởng thuế 0%, nhưng linh kiện máy tính để lắp ráp thì phải chịu thuế 5%. Vì thế, một lần nữa, ước mơ và niềm đam mê tạo ra máy tính “Made in Vietnam” lại tiếp tục lỡ mất thời cơ. Trong khi đó, Legend tại Trung Quốc được hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và có một thị trường “khổng lồ” giúp công ty phát triển. Mặc dù ban đầu cùng quy mô và nguồn lực, nhưng khác với CMS, Legend đã tăng trưởng thần tốc và mua lại mảng kinh doanh PC của IBM – tập đoàn công nghệ máy tính lớn nhất thế giới thời điểm diễn ra thương vụ. Legend đã đổi tên thành Lenovo và trở thành một “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất máy tính toàn cầu, còn CMS của ông Chính vẫn chưa định vị được thương hiệu máy tính của mình tại Việt Nam.

Năm 2007, ông Chính cùng người “chiến hữu” Hà Thế Minh đã trăn trở trong suốt nhiều ngày và tranh luận gay gắt với nhau, về việc có nên chuyển đổi mô hình của công ty hay không. Trước đó, công ty HT&NT đã đổi tên thành Công ty TNHH Máy tính Truyền thông CMC. Cuối cùng, cả hai nhà sáng lập đã quyết định chuyển đổi công thành CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC, và thành lập hàng loạt công ty con trong lĩnh vực công nghệ. Tập đoàn tập trung vào một số lĩnh vực như: tích hợp hệ thống, phần mềm, viễn thông – internet, sản xuất máy tính và phân phối sản phẩm ICT. Ông Nguyễn Trung Chính là người đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn, còn ông Minh là chủ tịch. Giai đoạn này, doanh thu của CMC tăng trưởng lên nghìn tỷ với mức tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 70% – 80%. Mặc dù thời điểm này, khủng hoảng kinh tế xảy ra trên thế giới, nhưng ông Chính nghĩ rằng sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam nên không chuẩn bị các phương án cho sự kiện này. Đến năm 2009, ban lãnh đạo đã quyết định niêm yết cổ phiếu CMG trên sàn Hose với tổng số vốn điều lệ hơn 635 tỷ đồng. Trong đó, hai cổ đông lớn nhất và nắm giữ tỷ lệ ngang bằng nhau là ông Chính và ông Minh, số lượng của mỗi người bao gồm: 1,01% sở hữu cá nhân và 21,03% công ty riêng nắm giữ. Đang trên đà tăng trưởng mạnh thì năm 2010 bắt đầu chịu tác động từ khủng hoảng, vì các khách hàng của CMC chủ yếu là các tập đoàn bất động sản đã bị “điêu đứng, khiến công ty chịu ảnh hưởng nặng nề. Vừa lên sàn năm 2009, thì đến năm 2011 cổ phiếu CMG bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vì kết quả kinh doanh ghi nhận lỗ gần 105 tỷ đồng, trong khi các năm trước lãi hàng chục tỷ. Việc này đã khiến cho ông Chính cùng các cộng sự bị “sốc” và gần như suy sụp vì tình thế quá khó khăn.

“Nhiệm vụ bất khả thi”: Tăng trưởng gấp 4 lần, trở thành doanh nghiệp tỷ đô trong vòng 5 năm

chan-dung-chu-tich-tap-doan-cmc-nguyen-trung-chinh-ong-trum-cong-nghe-viet-nam-tung-pha-san-vi-thue-3-1666625336.jpg

Giữa lúc mọi thứ gần như bế tắc, ông Chính nhận được lời mời đi đảo Trường Sa, và đây cũng chính là bước ngoặt để ông vực dậy công ty. Ông nhớ lại: “Tôi xuống tất cả các đảo, chứng kiến phẩm chất của người lính mà tôi từng có thời gian trải qua. Tôi hiểu, khi kiên định đi theo con đường đã chọn thì nhất định sẽ thành công”. Sau lần đó, ông quay về tập đoàn và thực hiện cải cách. Tập đoàn bắt đầu xây dựng bộ quản trị doanh nghiệp đầy đủ để kiểm soát và thúc đẩy sự phát triển của nội bộ công ty, thay vì chỉ tập trung vào việc kinh doanh, tạo mối quan hệ bên ngoài. Sự thay đổi này ngay lập tức mang lại hiệu quả, khi kết quả kinh doanh năm 2012 – 2013 công ty đã có lợi nhuận dương trở lại lần lượt là 9 tỷ và 23 tỷ. Đến năm 2014, mặc dù doanh thu chỉ tăng nhẹ khoảng khoảng 11%, nhưng đáng chú ý là lãi ròng tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ, mức tăng rất “khủng khiếp”. Kể từ đó, doanh thu của công ty giai đoạn 2015 – 2018 tăng trưởng đều đặn mỗi năm vài trăm tỷ ở mức 3.693 tỷ – 5.185 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng tăng trưởng theo một đường thẳng từ 136 tỷ – 214 tỷ đồng. Trong đó, khối giải pháp công nghệ là mảng đóng góp doanh thu cao nhất chiếm tỷ lệ hơn 66%, nhưng chỉ chiếm 21% lợi nhuận trước thuế. Còn mảng dịch vụ viễn thông đóng góp hơn 32% doanh thu, nhưng lại là mảng sinh lợi lớn nhất tập đoàn với tỷ lệ hơn 68% lợi nhuận trước thuế. Ngoài ra vẫn còn mảng kinh doanh quốc tế tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có doanh thu chỉ gần 170 tỷ đồng và lợi nhuận âm. Có một biến cố xảy ra tại tập đoàn trong giai đoạn này đó là vào năm 2016, ông Hà Thế Minh – Chủ tịch HĐQT của tập đoàn qua đời tại Nhật Bản sau nhiều năm chống chọi bệnh tật. Khi đó ông Chính được bầu làm người thay thế.

Đang trên đà 5 năm tăng trưởng liên tục, thì năm 2019 bất ngờ CMC tụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính, doanh thu sụt giảm gần 7% chỉ còn lại 4.855 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ còn lại 208 tỷ so với 214 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây cũng là năm đầu tiên ông Nguyễn Trung Chính bắt đầu đặt mục tiêu mới cho CMC. Theo như chiến lược mới, CMC phải trở thành tập đoàn toàn cầu đạt được doanh thu 1 tỷ USD và nhân sự tăng lên 10.000 người vào năm 2023. Tính từ thời điểm đưa ra kế hoạch, doanh thu và nguồn lực nhân sự chỉ mới thực hiện được ¼ so với những con số “khủng” đề ra. Để thực hiện được là một điều vô cùng khó khăn, vì theo dữ liệu về sự tăng trưởng trước đó của các công ty công nghệ tương tự như doanh nghiệp của ông Chính, thì gần như là không thể. Vị doanh nhân này đã từng chia sẻ quan điểm của mình khi được hỏi về “nhiệm vụ bất khả thi” này rằng: “Nếu bạn không có ước mơ, không đặt ra các mục tiêu cao để chinh phục nó thì cuộc đời cũng không thú vị. Và chỉ khi có mục tiêu như vậy thì mình mới phát triển và tiến bộ được. Tổ chức cũng thế thôi”.

chan-dung-chu-tich-tap-doan-cmc-nguyen-trung-chinh-ong-trum-cong-nghe-viet-nam-tung-pha-san-vi-thue-4-1666625392.jpg

Một trong những lý do chính thúc đẩy ông Nguyễn Trung Chính quyết tâm thực hiện được mục tiêu “khủng” trong thời gian ngắn, là từ thương vụ hợp tác chiến lược toàn diện với Samsung SDS. Công ty này thuộc tập đoàn Samsung, công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu hơn 8 tỷ USD vào năm 2018. Thời điểm đó, Samsung SDS đã chi 850 tỷ mua lại 25% cổ phần của CMC, trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn công nghệ lớn thứ hai tại Việt Nam. Đặc biệt, ông Chính đã từng tiết lộ một số thông tin rất thú vị về thương vụ này. Đầu tiên là về thời gian. Theo như thường lệ, việc đánh giá công ty trước khi ký hợp đồng diễn ra trong khoảng 6 tháng hoặc nhanh nhất là 2 tháng, nhưng Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Samsung SDS – Dr WP Hong yêu cầu thực hiện trong 1 tuần. Từ đó dẫn đến thời gian hoàn tất hợp đồng chỉ diễn ra trong vài tháng, thay vì hơn cả năm trời như các thương vụ ký với đối tác nước ngoài của công ty khác. Thứ hai là câu chuyện chiếc ấm trà. Giữa lúc quá trình đàm phán căng thẳng, ông Dr Hong đã tặng cho ông Chính một ấm trà Hàn Quốc và chiếc ấm này đặc biệt ở chỗ: nếu đổ nước quá mức 80% ấm thì toàn bộ lượng nước sẽ bị rút sạch hết. Thời điểm đó, cũng là lúc cả hai phía đang trao đổi về những yêu cầu, mục tiêu của nhau. Theo vị chủ tịch của CMC, thông qua chiếc ấm trà đã hiểu được thông điệp từ vị lãnh đạo Samsung muốn gửi đến là: “Nếu chỉ đạt tới 80% mức độ cam kết mà bạn muốn thôi thì hãy coi đó là thành công và hài lòng với nó; còn nếu muốn 100% thì sẽ không còn gì cả”. Thứ ba là đối tác Hàn Quốc làm việc rất nhanh và quyết liệt, luôn muốn đứng là số 1 trong những lĩnh vực kinh doanh, vì thế họ yêu cầu rất khắt khe với nhân sự. Có một lần, kỹ sư của Samsung SDS sang Việt Nam làm việc tại CMC, theo quan sát của ông Chính thì người này làm việc khá tốt. Nhưng đột nhiên chỉ trong vòng 1 tuần đã phải về lại Hàn Quốc và rời khỏi công ty trong vòng 1 tháng sau đó, lý do được đưa ra là không hoàn thành KPI được giao, mặc dù chỉ tiêu này rất cao. 

Kể từ khi trở thành đối tác chiến lược với Samsung SDS, tập đoàn CMC của ông Nguyễn Trung Chính bắt đầu tăng trưởng trở lại trong vòng hai năm qua. Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lần lượt 5.181 tỷ và 241 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6% và 15%. Đến năm 2021, trái ngược với các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, đây lại là năm ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất lịch sử của tập đoàn CMC. Doanh thu đạt hơn 6.290 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 21% so với cùng kỳ. Lãi ròng 317 tỷ đồng, cao hơn 31,5% so với năm 2021. Trong đó, cơ cấu doanh thu vẫn như trước khi lĩnh vực công nghệ và giải pháp vẫn chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất với tỷ lệ gần 52%, những đem lại nguồn lợi nhuận lớn nhất vẫn là lĩnh vực viễn thông chiếm gần 66%. Thêm một tín hiệu lạc quan trên con đường thực hiện nhiệm vụ bất khả thi, là mảng kinh doanh quốc tế đã bắt đầu đem lại lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với con số âm của những năm trước. Tổng tài sản của CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC ghi nhận vào ngày 31/3/2022 là hơn 6.255 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là gần 2.690 tỷ đồng. Không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng kết quả kinh doanh, ông Nguyễn Trung Chính còn muốn phát triển thêm nguồn nhân lực cho tập đoàn. Do đó đầu năm 2022, Tập đoàn Công nghệ CMC đã đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới là giao dục, thông qua việc đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư chiến lược của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu. Ngoài ra, vị chủ tịch này còn tiết lộ rằng đầu tư vào đại học chỉ là bước đầu, sau đó sẽ đầu tư các cấp, các ngành, từ mẫu giáo cho đến đại học và sau đại học. Và cho rằng làm từ thiện như là “cho cá chứ không cho cần câu”, vì thế cách đóng góp tốt nhất cho xã hội là đầu tư vào giáo dục, để tạo ra nhân tài cho đất nước.

chan-dung-chu-tich-tap-doan-cmc-nguyen-trung-chinh-ong-trum-cong-nghe-viet-nam-tung-pha-san-vi-thue-6-1666625909.jpg

Ông Nguyễn Trung Chính tại buổi lễ ký hợp đồng đầu tư chiến lược vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu (Nguồn ảnh: CMC)

Liệu rằng việc đầu tư vào lĩnh vực mới như giáo dục có thể giúp ông Nguyễn Trung Chính thực hiện được “nhiệm vụ bất khả thi” hay không?

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận