Các chuỗi nhà thuốc ‘đua’ tăng trưởng: Quản lý cần mở, cũng cần siết
Diên Vỹ 11:33 | 23/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Chia sẻ
Một nội dung được đề cập trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược là tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc; trong đó có mô hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc trong bối cảnh nhiều chuỗi nhà thuốc mở rộng mạnh mẽ những năm gần đây.
Theo đánh giá của Chứng khoán MB, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đạt khoảng 7 tỷ USD. Với dân số hiện khoảng hơn 100 triệu người, thu nhập trung bình 56 triệu đồng/ người/ năm và chi tiêu cho tiền thuốc bình quân hơn 1,7 triệu đồng/ người/ năm, một báo cáo mới đây của BMI nhận định dư địa của thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam là rất hấp dẫn.
Triển vọng của “miếng bánh” này đã sớm được nhìn thấy bởi các đại gia bán lẻ, kéo theo là sự nhập cuộc của những tay chơi lớn như CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail – FRT) với chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) với chuỗi nhà thuốc An Khang Pharma vào năm 2017… Cùng đó là sự tiếp tục mở rộng của một số chuỗi lâu năm như Medicare (thành lập năm 2001), hay Phano Pharmacy (thuộc CTCP Dược phẩm Phano, thành lập từ 2007), ECO Pharma (thuộc CTCP Dược phẩm ECO, thành lập năm 2008), Pharmacity (thành lập năm 2011)…
Tính đến hết tháng 6/2024, FPT Long Châu hiện có 1.706 cơ sở nhà thuốc trên toàn quốc; Pharmacity có gần 900 nhà thuốc và An Khang Pharma có 481 nhà thuốc.
Cuộc đua tăng trưởng giữa các chuỗi nhà thuốc đã thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ dược phẩm, trong đó ba cái tên nổi bật là FPT Long Châu , An Khang Pharma và Pharmacity.
Thành lập năm 2011, Pharmacity từng là cái tên tiên phong trong việc mở rộng mô hình chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam. Đến hết tháng 8/2022, với khoảng 1.100 nhà thuốc trên cả nước, Pharmacity là chuỗi nhà thuốc có nhiều cơ sở nhất tại Việt Nam. Dù vậy, việc chưa thể chạm đến điểm hòa vốn đã khiến Pharmacity dần tỏ ra “hụt hơi”, mà nguyên nhân theo các chuyên gia là do chiến lược theo đuổi mô hình tiện lợi thay vì tập trung vào thuốc kê đơn.
Sau khi liên tục “thay tướng”, chiến lược kinh doanh của Pharmacity gần đây cũng đang có sự chuyển biến lớn trong nỗ lực tìm đến điểm hòa vốn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đầu năm nay, CEO Pharmacity Deepanshu Madan tuyên bố rằng chuỗi nhà thuốc này đang dần từ bỏ mô hình “nhà thuốc tiện lợi” (với tỷ trọng thuốc chỉ khoảng dưới 40%) để tập trung tăng cường sản phẩm thuốc kê đơn để phù hợp hơn với hành vi tiêu thụ dược phẩm của người tiêu dùng Việt. Hiện Pharmacity có 898 cơ sở nhà thuốc trên toàn quốc, theo thông tin trên website Pharmacity.
Ở FPT Long Châu, chiến lược mở rộng mạnh mẽ cũng được thúc đẩy kể từ khi chuỗi này được FRT mua lại hồi năm 2017. Với xuất phát điểm từ chuỗi nhà thuốc có tiếng tại TP Hồ Chí Minh gồm chỉ 4 cửa hàng, đến nay FPT Long Châu đã trở thành chuỗi bán lẻ dược phẩm có số lượng nhà thuốc lớn nhất Việt Nam với hơn 1.700 cơ sở trên toàn quốc. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, chuỗi này cho biết đã mở thêm 209 cơ sở mới, hoàn thành hơn 52% mục tiêu mở thêm 400 nhà thuốc trong năm nay.
Đi đôi với sự mở rộng nhanh chóng là hiệu quả hoạt động tích cực khi doanh thu nửa đầu năm 2024 của FPT Long Châu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 67% so với cùng kỳ, đạt 11.521 tỷ đồng và doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc vào khoảng 1,2 tỷ/tháng. Các công ty chứng khoán nhận định FPT Long Châu đã “đi đúng hướng” khi tỷ trọng thuốc tại các cửa hàng thuộc chuỗi này chiếm khoảng 70-80% trong cơ cấu sản phẩm, cao hơn mức trung bình 50-60% của các chuỗi nhà thuốc hiện nay.
Trên nền tảng sự mở rộng nhanh chóng và đã bắt đầu có lợi nhuận hoạt động, cũng như triển vọng của mảng tiêm chủng, ban lãnh đạo FRT đã chia sẻ định hướng xây dựng FPT Long Châu trở thành hệ sinh thái Health Care dựa trên nền tảng lượng khách hàng có sẵn lớn hơn 15 triệu khách, độ phủ của chuỗi nhà thuốc có nhiều cơ sở nhất Việt Nam cũng như hậu thuẫn từ Tập đoàn FPT…
Cũng trong năm 2017, cùng thời điểm FRT mua lại Long Châu, một “đại gia” bán lẻ khác là DGW đã mua lại 49% cổ phần chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành chuỗi nhà thuốc An Khang. Đến cuối năm 2021, DGW chính thức nâng tỷ lệ nắm giữ tại An Khang Pharma lên 100%, trước khi dồn lực “bành trướng” vào 2022 với kỷ lục mở thêm hơn 300 điểm bán chỉ trong vòng nửa năm. Thời điểm đó, ban lãnh đạo DGW kỳ vọng nâng số cửa hàng trong chuỗi lên 2.000 vào cuối năm 2023.
Dù vậy, tham vọng mở rộng mạng lưới “thần tốc” của An Khang Pharma không được thuận lợi. Tính đến cuối năm 2023, An Khang Pharma có 527 nhà thuốc, tăng 27 điểm so với đầu năm và còn cách rất xa kỳ vọng 2.000 nhà thuốc. Tình hình tài chính cũng không mấy lạc quan khi lỗ lũy kế của chuỗi nhà thuốc này tính đến 31/6/2024 đã lên đến gần 834 tỷ đồng.
Nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động trên mỗi cửa hàng và đạt mục tiêu hòa vốn, trong vài tháng qua, An Khang Pharma đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Ban lãnh đạo An Khang đưa ra kế hoạch thu hẹp quy mô xuống còn khoảng 300 nhà thuốc vào cuối năm 2024, trong đó tập trung phát triển mô hình chuỗi nhà thuốc tại các vị trí thuận lợi với diện tích nhỏ gọn từ 30-40m2, nhưng đảm bảo yếu tố trưng bày và cung cấp đầy đủ các loại thuốc. Dự kiến, thuốc sẽ chiếm khoảng 65-70% danh mục sản phẩm kinh doanh.
Ban lãnh đạo kỳ vọng An Khang Pharma đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước cuối năm nay. Sau khi đã đạt điểm hòa vốn, chiến lược xa hơn vẫn là tăng tốc mở rộng trở lại.
Nhìn chung, trong cuộc đua tăng trưởng và chia phần “miếng bánh” bán lẻ dược phẩm, các chuỗi nhà thuốc lớn đều đang nỗ lực đưa ra những chiến lược phù hợp, với mục tiêu dài hạn là chiếm lĩnh thị trường. Một báo cáo hồi tháng 7/2023 của Vietdata nhận định các chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chỉ chiếm lĩnh khoảng 15% thị trường, nhưng dự báo con số này sẽ tăng lên đáng kể trong tương lai. Và các chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ là mục tiêu mà các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm hướng tới.
Trong khi dấn thân vào cuộc đua tăng trưởng giành thị phần bán lẻ dược phẩm cũng như nỗ lực quản trị hiệu quả hoạt động để tìm kiếm lợi nhuận, các chuỗi nhà thuốc này liên tục bị thanh tra Sở Y tế nhiều địa phương xử phạt về những vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế lặp đi lặp lại.
Chẳng hạn, tại FPT Long Châu, tỷ lệ thuận với số lượng nhà thuốc mở mới liên tục tăng mạnh hàng năm, từ năm 2022 đến nay, hàng loạt nhà thuốc thuộc chuỗi này trên khắp cả nước đã phải nhận các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; trong đó có cả những vi phạm liên quan đến trung tâm tiêm chủng của Long Châu.
Chẳng hạn, hồi giữa tháng 5, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà thuốc Long Châu 64 (địa chỉ số 93 Hàng Mã, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tổng mức phạt 42 triệu đồng do hàng loạt vi phạm như để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; niêm yết không đầy đủ giá thuốc tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược.
Hay hồi tháng 8, đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng phát hiện nhiều sai sót tại trung tâm tiêm chủng Long Châu 66 ở TP Đà Lạt, trong đó có sai sót liên quan đến quy trình bảo quản và cấp phát vaccine. Cụ thể, theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, kết quả kiểm tra cho thấy có 14 quy trình thực hành chuẩn đáp ứng yêu cầu của GSP, tuy nhiên quá trình thực hiện một số quy trình không đúng như văn bản quy định liên quan đến bảo quản và cấp phát vaccine. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tủ ngang chứa vaccine xếp quá nhiều, đầy kín vaccine sát với nắp tủ, nhiệt độ lúc theo dõi không đúng với quy định phải đảm bảo trong điều kiện từ 2-8 độ C. Cơ sở này cũng không mua mẫu vaccine để hậu kiểm.
Mới đây nhất, ngày 12/8 vừa qua, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã ký hai quyết định xử phạt vi hành chính đối với hai nhà thuốc Long Châu trên địa bàn tỉnh, với tổng mức phạt 12 triệu đồng do các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bao gồm Cơ sở kinh doanh niêm yết giá thuốc không đầy đủ, người chịu trách nhiệm chuyên môn của nhà thuốc vắng mặt mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật.
Chỉ từ đầu năm 2024 đến nay, riêng các nhà thuốc thuộc chuỗi Long Châu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã nhận tổng cộng 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ Thanh tra Sở Y tế của tỉnh, với số tiền phạt gần 100 triệu đồng.
Những vi phạm tương tự cũng diễn ra tại một số nhà thuốc thuộc chuỗi An Khang Pharma. Cũng trong ngày 12/8 tại tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Sở Y tế đồng thời ký hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hai nhà thuốc An Khang Pharma trên địa bàn với hai lỗi Cơ sở kinh doanh niêm yết giá thuốc không đầy đủ và Người chịu trách nhiệm chuyên môn của nhà thuốc vắng mặt mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật. Mức phạt hành chính tổng cộng 12 triệu đồng.
Trước đó, hồi giữa tháng 7/2024, Nhà thuốc An Khang 125 (địa điểm kinh doanh CTCP Dược phẩm An Khang Pharma – 126 Liên khu 5-6, khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) cũng bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt 15 triệu đồng vì hành vi bảo quản thuốc không đúng điều kiện ghi trên nhãn thuốc….
Tương tự, tại Pharmacity, các nhà thuốc thuộc chuỗi này cũng liên tục bị Thanh tra Y tế nhiều địa phương nhắc tên vì những vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mới đây nhất, vào đầu tháng 8/2024, nhà thuốc Pharmacity địa chỉ số 233-233A Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội đã bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng do vi phạm bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.
Theo Luật sư điều hành Nguyễn Văn Phúc từ Công ty Luật TNHH HM&P, hoạt động phân phối bán lẻ dược phẩm với mô hình chuỗi nhà thuốc không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp kinh doanh dược trong những năm gần đây khi hàng loạt các chuỗi nhà thuốc hình thành và kinh doanh trải dài khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc hiện nay vẫn chưa được điều chỉnh bởi một quy định pháp luật cụ thể, điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp kinh doanh dược có ý định thành lập chuỗi nhà thuốc gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và triển khai mô hình kinh doanh này trên thực tế.
Mặc dù dự thảo luật Dược với những quy định mới về chuỗi nhà thuốc là một sự bổ sung kịp thời để điều chỉnh và quản lý hoạt động này, Luật sư Phúc cho rằng hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh chuỗi nhà thuốc vẫn cần được xây dựng theo hướng đột phá và đặc thù hơn, chẳng hạn như thay vì phải thực hiện thủ tục thành lập từng nhà thuốc riêng lẻ, sau đó mới công bố kinh doanh chuỗi nhà thuốc thì cho phép doanh nghiệp trực tiếp thành lập chuỗi nhà thuốc, thông qua việc thành lập cùng lúc nhiều nhà thuốc, miễn mỗi nhà thuốc vẫn đáp ứng các điều kiện của một cơ sở bán lẻ thuốc.
Tuy nhiên đi đôi với các cơ chế đặc thù, vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp khi kinh doanh chuỗi nhà thuốc cũng đòi hỏi phải chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn so với nhà thuốc riêng lẻ thông thường, đặc biệt đối với những chuỗi nhà thuốc có số lượng nhà thuốc lớn, trải dài tại nhiều địa phương trên cả nước.
“Với độ lan tỏa của chuỗi nhà thuốc, các sản phẩm thuốc nếu có khiếm khuyết cũng sẽ tác động nhanh chóng đến nhiều người dùng, khi đó, việc giải quyết hậu quả như đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm hay bồi thường thiệt hại cho người dùng sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp.
Điều này đòi hỏi công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền đối với chuỗi nhà thuốc phải chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn so với các nhà thuốc riêng lẻ thông thường, đặc biệt đối với những chuỗi nhà thuốc có số lượng nhà thuốc lớn, trải dài tại nhiều địa phương trên cả nước”, Luật sư Phúc lý giải thêm.