Bộ Xây dựng: Sẽ đánh giá tác động khi nghiên cứu chính sách thuế
Công Tâm 09:43 | 18/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Chia sẻ
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà đất được Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đồng tình. Tuy nhiên, việc này sẽ được nghiên cứu thấu đáo, toàn diện và đánh giá tác động.
Tại buổi họp báo do Bộ Xây dựng tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết có nhiều nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, phải kể đến hai nguyên nhân nhân quan trọng, đó là do tình trạng đầu cơ và tâm lý thị trường.
“Đầu cơ khiến giá tăng phi lý, đặc biệt người mua nhà có tâm lý mua nhà để chờ tăng giá, điều này khiến giá nhà càng tăng mạnh. Theo đó, cần phải có giải pháp ổn định tâm lý người mua”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lý giải về việc nguồn cung bất động sản tăng nhưng giá không giảm, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, qua tổng hợp, phân tích cho thấy nguồn cung bất động sản chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá bất động sản tại một số khu vực, địa phương trong thời gian qua. Giá bất động sản tăng còn do sự tác động bởi một số yếu tố khác.
Ông Dũng cho biết, giá bán bất động sản tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.
Đặc biệt, tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt.
Bên cạnh đó, ông cho rằng có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời…
“Việc đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, giá nhà ở của khu vực lân cận và của địa phương. Đồng thời, việc này còn làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung cho thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản”, ông Dũng nói.
Đại diện Bộ Xây dựng nói thêm, việc giá bất động sản tăng cao còn do hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới. Những đối tượng này lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.
Những người này là cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường. Điều đó gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, theo ông Dũng, giá bất động sản tăng cao còn do biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng… đã tác động đến tâm lý của người dân, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền sang đầu tư nhà, đất để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền.
Vị này cũng cho biết, nhằm giảm giá nhà ở, bất động sản và ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó có việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
Đặc biệt, Bộ đã đề xuất nghiên cứu chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn nhằm kiếm lời.
Liên quan đến giải pháp đánh thuế, ông Dũng cho biết giải pháp này được Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đồng tình. Tuy nhiên, việc này sẽ được nghiên cứu thấu đáo, toàn diện và đánh giá tác động.
Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ đánh giá kỹ tác động của chính sách thuế đến các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm doanh nghiệp, người dân, bên bán, bên mua, bên cho thuê và bên thuê để tránh tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và hoạt động giao dịch bất động sản.