Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo tiêu dùng ở Việt Nam
Đông Bắc 11:53 | 11/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khoảng 367.500 tấn gạo Ấn Độ, tuy nhiên gạo này chủ yếu dành chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề của ngành nông nghiệp tại phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8. Để chuẩn bị cho buổi đăng đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có báo cáo giải trình các vấn đề chất vấn gửi các đại biểu Quốc hội ngày 10/8.
Đề cập tới xuất khẩu nông sản, nhất là gạo trong bối cảnh một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE cấm xuất mặt hàng này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, diện tích gieo trồng lúa hiện khoảng 7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn thóc một năm, tương đương 27-28 triệu tấn gạo.
Bộ trưởng khẳng định: “Gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng chính, chiếm 70% trong tiêu dùng lương thực thực phẩm. Do đó, giữ 3,5 triệu ha đất lúa theo kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa”.
Theo tính toán ở kịch bản an toàn cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống…) khoảng 29,5 triệu tấn thóc một năm. Như vậy, cả nước sẽ còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.
Ngoài thóc, gạo sản xuất, mỗi năm Việt Nam cũng nhập khẩu sản lượng gạo nhất định từ Campuchia, Ấn Độ. Chẳng hạn, lượng gạo nhập từ Campuchia khoảng hơn 1 triệu tấn mỗi năm, để bù đắp trong trường hợp cần thiết.
Việt Nam cũng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khoảng 367.500 tấn gạo Ấn Độ, tăng gần 32% so với cùng kỳ 2022 và đứng thứ 8 trong số các nước nhập gạo từ quốc gia tỷ dân này.
Tuy nhiên, trưởng ngành nông nghiệp cho hay, gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu dành chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi. “Do đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận xét.
Sau tuyên bố cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới tăng liên tục trong hai tuần qua, cao nhất gần 660 USD một tấn với gạo 5% tấm. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, thu về gần 2,6 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu truyền thống chủ yếu ở châu Á là 3,3 triệu tấn (chiếm hơn 77%), tăng gần 36% so cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường tăng trưởng vượt bậc như EU chiếm 2% tổng sản lượng nhưng đạt hơn 84.000 tấn, tăng 28% so cùng kỳ năm trước.
Về kế hoạch an ninh lương thực năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tổng diện tích lúa cả nước năm nay khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng hơn 452.000 tấn so với 2022. Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu.
Thủ tướng chỉ đạo tăng xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị đưa ra trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo tăng cao do Ấn Độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu. Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung – cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này trong nước lên cao bất hợp lý.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các bộ, địa phương rà soát quy hoạch, vùng trồng, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm.
Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới; tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. “Cần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống”, Chỉ thị của Thủ tướng nêu.
Các Bộ đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và khuyến cáo địa phương, doanh nghiệp, hộ trồng lúa tuân thủ quy định chất lượng lúa, gạo của Việt Nam và nước nhập khẩu.
Để đảm bảo an ninh lương thực, tận dụng cơ hội xuất khẩu và tránh đầu cơ, trục lợi, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngoại giao kiểm tra, giám sát kinh doanh xuất khẩu gạo. Các bộ theo dõi thị trường thương mại gạo thế giới, động thái các nước sản xuất, xuất khẩu để chủ động điều tiết sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 về kinh doanh, xuất khẩu gạo. Trong đó, cần quy định chặt chẽ, khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo xuất khẩu. Các thương nhân phải liên kết với người trồng lúa trong xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo.
Bộ này cùng các cơ quan đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại gạo phù hợp tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA để chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ động các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân.
Bộ Tài chính tính toán, cân đối việc dự trữ gạo, “dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh”. Các địa phương giám sát sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo.
Người đứng đầu Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch. Kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.