‘Bến đỗ’ tiếp theo của giá vàng

Diên Vỹ 11:51 | 19/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Nhiều chuyên gia, tổ chức phân tích quốc tế nhận định vàng có thể kết thúc năm nay ở mức 2.400-2.500 USD trước khi lập đỉnh 3.000 USD trong vài năm tới đây.

Giá vàng sẽ còn bùng nổ, nhiều dự báo về ‘bến đỗ’ 3.000 USD

Trong những cập nhật mới nhất, nhiều tổ chức phân tích đã điều chỉnh dự báo giá vàng trong năm 2024 với hầu hết dự báo cho thấy vàng sẽ kết thúc năm nay ở mức giá trên 2.000 USD.

“Với xu hướng lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao và khó hạ nhiệt sớm, không khó để nhận ra nhu cầu vàng vẫn còn rất cao… Vàng sẽ tiếp tục là kim loại quý được săn đón khi các nhà đầu tư lo lắng về các nguy cơ trên thị trường ngoại hối”, ông David Neuhauser, người sáng lập quỹ phòng hộ Livermore Partners có trụ sở tại Northbrook, bang Illinois chia sẻ trên tờ CNBC, kèm nhận định giá vàng có thể lên mức 3.000 USD/ ounce trong vài năm tới đây.

Đáng chú ý, vị chuyên gia này từng nhận định hồi tháng 8/2023 – thời điểm giá vàng còn đang lình xình quanh 2.000 USD/ ounce – rằng kim loại quý này có thể đạt mức 2.500 USD/ounce trước cuối năm 2024, tức tăng hơn 25% so với mức giá thời điểm đó. 

 Nhiều dự báo cho rằng giá vàng có thể tiến tới mốc 3.000 USD trong một vài năm tới đây. Ảnh: Forbes

Tương tự, trong một nhận định hồi đầu tháng này, nhà kinh tế học nổi tiếng David Rosenberg, chủ tịch Rosenberg Research đưa ra kịch bản giá vàng 2.500 USD, thậm chí không loại trừ khả năng giá vàng lập đỉnh 3.000 USD/ ounce. Cụ thể, theo ông, khi các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất, giá vàng có thể diễn biến theo 2 kịch bản.

Ở kịch bản đầu tiên, nếu Fed thành công ‘hạ cánh mềm’ cho nền kinh tế Mỹ, đưa lãi suất thực tế toàn cầu quay lại mức bình quân trước những năm 2000 thì đồng USD có thể giảm khoảng 12% và giá vàng dự báo tăng khoảng 10%.

Ở kịch bản thứ hai, nếu Fed không thể ‘hạ cánh mềm’ mà một cuộc suy thoái do hệ lụy của chính sách tiền tệ kiềm chế lạm phát xảy ra, với mức lãi suất thực tế toàn cầu trở lại mức bình quân giai đoạn 2014-2024, thị trường chứng khoán ổn định và đồng USD giảm khoảng 8%, thì giá vàng dự báo sẽ tăng 15% lên phạm vi khoảng 2.500 USD.

Ông này cũng nhận định còn nhiều dư địa để vàng tăng giá, và rằng khả năng giá vàng tăng lên 3.000 USD/ounce là lớn hơn khả năng kim loại quý giảm về 1.500 USD.

Các nhà phân tích Citi trong một báo cáo đầu tuần này cũng cho biết: “Chúng tôi dự đoán giá vàng sẽ lên mức 3.000 USD/ounce trong khoảng 6-18 tháng tới, tức tăng 20% so với hợp đồng tương lai và tăng 25% so với giá vàng giao ngay”.

Ở góc nhìn trung hạn, nhà phân tích hàng hóa Lukman Leong trên tờ Techopedia đã điều chỉnh nâng dự báo giá vàng năm 2024 từ mức dự phóng 2.200-2.300 USD hồi tháng 2 lên 2.500 USD trong bối cảnh các NHTW tiếp tục mua vào, đặc biệt là NHTW Trung Quốc, trong khi Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất. 

Tổ chức nghiên cứu ANZ Research trong dự báo cập nhật mới nhất vào 12/4 vừa qua cũng nhận định vàng sẽ giao dịch ở mức bình quân 2.243 USD/ounce trong năm nay, tăng đáng kể so với dự báo 2.043 USD/ounce đưa ra hồi tháng 2. Các chuyên gia phân tích từ ANZ Research cho hay đợt tăng gần đây của giá vàng đã vượt xa các dự báo trước đó của họ, và có thể sẽ có một đợt điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, nhìn chung giá vàng sẽ tiếp tục tăng do lực mua mạnh mẽ của các NHTW trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và nhu cầu đầu tư tăng mạnh. 

Trading Economics hôm 15/4 cũng nâng dự báo giá vàng 12 tháng tới lên 2.341,4 USD/ ounce, tăng đáng kể so với mức dự báo 2.112,48 USD/ ounce hồi tháng 2.

Còn ngân hàng Deutsche Bank hôm 16/4 thì nâng dự báo giá vàng lên 2.400 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.600 USD/ounce vào cuối năm sau. Dự báo cập nhật dựa trên phân tích dòng vốn đầu tư thời gian gần đây và tác động của nó đến giá cả trong dài hạn.

Trong khi đó, Goldman Sachs hồi giữa tháng 4 đã dự báo kim loại quý này sẽ đạt mức giá 2.700 USD/ ounce vào cuối năm nay. 

Tuy vậy, ở góc độ thận trọng hơn, một số nhà quản lý quỹ đang lo ngại rằng giá kim loại quý này đang đi quá xa. Cụ thể, cuộc khảo sát quản lý quỹ mới nhất của Bank of America cho thấy 26% số người tham gia khảo sát cho biết vàng đang được định giá quá cao.

Giá vàng thế giới leo dốc mạnh mẽ từ đầu năm đến nay. Ảnh: Kitco.

Các ‘tay chơi lớn’ tăng tỷ trọng vàng

Một phân tích mới do Citi thực hiện về những quỹ đầu tư lớn đang quản lý tổng cộng 18.000 tỷ USD cho thấy tăng tỷ trọng nắm giữ vàng đang trở thành xu hướng chung với 83% trong số này đang ở vị thế mua. Nghiên cứu cũng cho thấy vàng là hàng hóa duy nhất mà các tay chơi lớn thêm vào danh mục trong tháng qua.

Tuần này, hợp đồng tương lai vàng đã lên mức kỷ lục vượt 2.400 USD/ounce, kéo dài đà tăng ba tuần liên tiếp trong bối cảnh các nhà đầu tư nhận định rủi ro địa chính trị đang có xu hướng tăng lên trong khi các chỉ số lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vàng – với nguồn cung hạn chế – thường được xem là biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát, và cũng là tài sản trú ẩn an toàn trước các rủi ro địa chính trị.

Ông James Steel, chuyên gia phân tích chuyên theo dõi vàng từ HSBC Securities nhận định rằng đà tăng giá vàng thời gian qua ngoài động lực từ động thái mua của các NHTW còn được thúc đẩy bởi sự mua vào của hàng loạt quỹ phòng hộ và tâm lý coi đây là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán nóng đỏ và lạm phát chưa có dấu hiệu được ghìm cương. Tất cả những điều này rõ ràng đang kích hoạt động lực mua lớn cho tài sản vàng.

Theo dữ liệu mới nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai, tính đến ngày 9/4, vị thế mua ròng của các nhà đầu cơ chuyên nghiệp đối với hợp đồng tương lai vàng đang dao động ở gần mức cao nhất kể từ năm 2020 – thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. 

Ông David Neuhauser, người sáng lập quỹ phòng hộ Livermore Partners có trụ sở tại Northbrook, bang Illinois chia sẻ trên tờ CNBC rằng ông cũng vừa tăng tỷ trọng vàng trong danh mục lên hơn 20% (tỷ trọng này bao gồm cả hàng hóa kim loại vàng và cổ phiếu của các công ty khai thác vàng). 

Một chuyên gia khác là David Einhorn từ quỹ Greenlight Capital gần đây cũng giữ vàng ở vị thế mua như một biện pháp phòng thủ trước nguy cơ suy thoái và lạm phát khó hạ nhiệt. “Chính sách tài khóa và tiền tệ tổng thể của đất nước đang có nhiều vấn đề. Nếu cả hai chính sách quá lỏng lẻo, tôi cho rằng thâm hụt ngân sách sẽ là nguy cơ thực sự. Và như vậy, vàng sẽ là biện pháp phòng ngừa rủi ro”, ông Einhorn cho hay hồi đầu tháng 4.

Về phía các ngân hàng trung ương (NHTW), Hội đồng vàng thế giới kỳ vọng năm nay sẽ tiếp tục là một năm mua ròng mạnh mẽ, và động thái này sẽ hỗ trợ giá vàng thế giới đi lên vững chắc.

 Theo dữ liệu của WGC, các NHTW đã mua tổng cộng 19 tấn vàng trong tháng 2/2024, giảm 58% so với mức 45 tấn vào tháng 1/2024. Tổng cộng, các NHTW đã mua thêm 64 tấn vàng trong 2 tháng đầu năm, giảm 43% so với cùng kỳ 2023 nhưng tăng 400% so với cùng kỳ năm 2022. 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận