Bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi chậm do đâu?

Công Tâm 10:09 | 06/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Chuyên gia cho rằng tình trạng dư cung tại một số điểm đến trong bối cảnh các nguồn thị trường khách quốc tế chính như Trung Quốc và Nga khôi phục chậm đang làm gia tăng áp lực cho quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh của ngành nghỉ dưỡng.

(Ảnh minh họa: ThanhNien).

Một báo cáo mới đây của Savills cho biết, hoạt động kinh doanh khách sạn tại khu vực Đông Nam Á đang trên đà hồi phục trong bối cảnh các quốc gia đã mở cửa hoàn toàn cho các hoạt động du lịch quốc tế, bao gồm sự khôi phục của các đường bay đến Trung Quốc cũng như việc gia tăng tần suất trở lại của các hãng hàng không.

Mặc dù vậy, các yếu tố thiếu hụt nhân sự, gia tăng chi phí năng lượng, xung đột địa chính trị, chi phí hàng không đắt đỏ cũng như các bất ổn trong hoạt động kinh tế tiếp tục tác động đến thị trường nghỉ dưỡng tại khu vực này.

Tại Việt Nam, theo Savills, quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh khách sạn diễn ra không đồng đều. Công suất và giá phòng bình quân của các khách sạn tại TP HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Trong khi đó, các thị trường nghỉ dưỡng như Nha Trang – Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện công suất phòng.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, thị trường khách châu Á vẫn thấp hơn mức trước đại dịch 33%. Hàn Quốc hiện là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam với 2,6 triệu lượt, tuy nhiên tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 18%. Thị trường Trung Quốc đang từng bước khôi phục, nhưng chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019. Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 7%, đạt tổng 1,1 triệu lượt khách.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, tình trạng dư cung tại một số điểm đến trong bối cảnh các nguồn thị trường khách quốc tế chính như Trung Quốc và Nga khôi phục chậm càng gia tăng áp lực cho quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam.

Trong 10 năm qua (2013 – 2023), phần lớn nguồn cung phòng chủ yếu tập trung tại các TP Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An – Quảng Nam, tương đương khoảng 54% tổng nguồn cung mới trên cả nước. Theo đó, nguồn cung tại các điểm đến ven biển tăng trung bình 16%/năm trong thập kỷ qua, cao hơn nhiều so với TP HCM và Hà Nội khi nguồn cung mới chỉ tăng trung bình 6%/năm.

Một số điểm đến như Mũi Né, Nha Trang và Hạ Long tập trung phát triển vào cùng một phân khúc. Cụ thể, hơn 80% nguồn cung tại các địa phương này thuộc phân khúc tầm trung. Theo chuyên gia, đây là phân khúc có sự cạnh tranh cao về mặt bằng giá, không chỉ từ nguồn cung khách sạn mà còn gặp sự cạnh tranh từ những dự án căn hộ nghỉ dưỡng do chủ sở hữu tự kinh doanh, cho thuê với chính sách giá bán linh động để thu hút nguồn cầu.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận