ADB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt 7,5% và lạm phát chỉ 3,5%
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực Châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong bối cảnh triển vọng toàn cầu đang không mấy tích cực.
Theo nhận định của ADB trong ấn bản bổ sung định kỳ của báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 được công bố hôm nay (14/12), nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2022 và 4,6% vào năm 2023. Tháng 9 vừa qua, ADB đã dự báo nền kinh tế khu vực này dự kiến tăng trưởng 4,3% cho năm 2022 và 4,9% vào năm sau. Như vậy, cả 2 chỉ số dự báo đều được hạ xuống so với kỳ dự báo trước đó.
Theo các chuyên gia từ ADB, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và trong khu vực, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, và các đợt phong tỏa tái diễn ở Trung Quốc đang làm chậm quá trình phục hồi của châu Á đang phát triển sau đại dịch COVID-19. Các hạn chế theo cách tiếp cận “không COVID”, cùng với thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, đã một lần nữa khiến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc bị hạ thấp.
ADB đã hạ dự báo lạm phát ở châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương từ 4,5% xuống còn 4,4% trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng đã nâng dự báo cho năm sau từ 4,0% lên 4,2%, do áp lực lạm phát kéo dài từ giá năng lượng và thực phẩm.
Nền kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 3,0% trong năm nay, so với dự báo trước đó là 3,3%. Dự báo cho năm sau giảm từ 4,5% xuống còn 4,3% do suy thoái toàn cầu. Dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ được duy trì ở mức 7,0% trong năm tài khóa này và 7,2% trong năm tài khóa tiếp theo.
Ngay cả với các mức dự báo bị hạ thấp này, châu Á đang phát triển vẫn sẽ làm tốt hơn các khu vực khác trên toàn cầu, cả về tăng trưởng và lạm phát. Dự báo tăng trưởng của ADB cho Đông Nam Á trong năm nay đã được nâng từ mức 5,1% lên 5,5%, trong bối cảnh tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ ở Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo cho năm tới giảm từ 5% xuống còn 4,7% do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm nay. Dự báo lạm phát năm 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%.
Tuy thương mại tiếp tục tăng trưởng, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm. Vì vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho biết: “Hiện nay lạm phát dự báo sẽ vẫn giữ ở dưới mục tiêu đặt ra. Ngân hàng Nhà nước đã tăng biên độ tỷ giá +/- 3% lên 5% để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế, khi mà tiền VND đã giảm giá trị khoảng 9% so với đồng USD. Cần thận trọng với rủi ro khi giá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất của Việt Nam bằng đồng USD sẽ tăng lên, nhất là những ngành hàng phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, rồi gia công, tái xuất khẩu”.
Trước đó, trong báo cáo tháng 11/2022, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,2% và sẽ hạ xuống mức 2,7% vào năm 2023. Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 chỉ đạt 2,8%. Fitch Ratings dự báo chỉ đạt 2,4% và OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển) dự báo đạt 3%.
Như vậy, các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt từ mức 2,4%-3,2%, mức này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu giai đoạn 2000-2021 là 3,6%.
Cũng trong tháng 11/2022, IMF dự báo lạm phát toàn cầu năm 2022 sẽ tăng lên 8,8% từ mức 4,7% năm 2021; các nước mới nổi và đang phát triển có tỷ lệ lạm phát tăng cao nhất từ mức 5,9% năm 2021 lên mức 9,9% năm 2022; trong khi các nước phát triển dự báo tăng từ mức 3,1% năm 2021 lên 7,2% năm 2022. Lạm phát là dấu hiệu bất ổn vĩ mô nổi bật nhất năm 2022.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 được IMF dự báo đạt khoảng 8%. Mức tăng trưởng này được đánh giá cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Theo ông Bill Winters – Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, cơ bản, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành để giữ mặt bằng giá cả trong nước, không hình thành giá mới, cùng với đó nguồn cung hàng hóa dồi dào, tránh sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi các quốc gia đang phát triển và mới nổi ở châu Á đang phải trải qua cú sốc này rất lớn. Ưu tiên với Việt Nam lúc này là làm sao giữ được mặt bằng lãi suất, thị trường vốn ổn định, hỗ trợ, tạo thặng dư trong sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng gần 9%, số doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động gần 57 nghìn DN và trên 137 nghìn DN thành lập mới; xuất khẩu tăng 11,8%, cán cân thương mại thặng dư 1 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20,5%; thu ngân sách tăng 17,4%%, cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 bội thu gần 280 nghìn tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong 5 năm gần đây; CPI được kiểm soát ở mức bình quân là 3,02%; lạm phát cơ bản là 2,38%; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt mức cao nhất trong 11 tháng của 5 năm trở lại đây khi ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác. Qua đó, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Dự báo đến hết năm 2022, chúng ta có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế: Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức để có được con số tăng trưởng đầy ấn tượng.