ADB: ‘Đi trước trong xu thế giảm lãi suất’ sẽ là 1 trong 3 đột phá động lực để Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 6,5% năm nay

Thùy Dương 14:16 | 04/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới trầm trọng hơn ở quý IV/2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục sang năm 2023, các chuyên gia kinh tế từ ADB nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn còn triển vọng sáng nhờ động lực từ giải ngân đầu tư công, xu hướng chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng và việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Họp báo ADB – Dự báo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Ảnh: Thùy Dương.

Sáng 4/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức họp báo tại Hà Nội với chủ đề Dự báo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Sau kết quả ấn tượng trong năm 2022, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% (năm 2022 đạt 8,02%) trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Theo dữ liệu Tổng cục thống kê vừa công bố (ngày 29/3), tăng trưởng GDP quý I/2023 của Việt Nam đạt mức gần thấp nhất trong 12 năm qua (quý thấp nhất là quý I/2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát). Cụ thể, trong quý I, dịch vụ là ngành duy nhất ghi nhận đà tăng với mức tăng 6,79% trong khi ngành công nghiệp và xây dựng bất ngờ ghi nhận tăng trưởng âm 0,4% và nông nghiệp tăng trưởng 2,52% (cùng kỳ 2022 đạt 2,67%).

 Ảnh: Tổng cục thống kê.

Trong bối cảnh đó, phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB nhấn mạnh, Việt Nam cần đạt được “3 đột phá” để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% theo dự báo trong năm nay.

 Chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Minh Cường từ ngân hàng ADB. Ảnh: Thùy Dương.

Thứ nhất, ông Cường nhấn mạnh đầu tư công sẽ là một động lực then chốt cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác, bởi 2023 là một trong những năm có khối lượng phân bổ vốn cho đầu tư công rất lớn, tương đương gần 30 tỷ USD. Mức giải ngân lớn này sẽ tạo đột phá mạnh mẽ, đóng góp vào tăng trưởng GDP khoảng 1% nếu thành công. Ngược lại, nếu không làm tốt tiến độ giải ngân đầu tư công, việc tiến tới con số tăng trưởng 6,5% trong năm nay sẽ đặc biệt khó.

Thứ hai là việc chuyển hướng, nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hạ lãi suất điều hành 2 lần trong 1 tháng vừa qua. Việt Nam gần như là nền kinh tế đầu tiên trong châu Á thực hiện chính sách tiền tệ chuyển từ “thắt chặt – kiểm soát lạm phát” sang “nới lỏng – hỗ trợ tăng trưởng”, chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhấn mạnh.

“Việt Nam đã đi trước 1 bước trong xu thế hạ lãi suất chung tại khu vực châu Á”, theo chuyên gia Nguyễn Minh Cường. Cụ thể, quý I/2023, châu Á có 35% quyết định chính sách tiền tệ liên quan đến việc tăng lãi suất, giảm đáng kể so với 51% của năm 2022. Sang năm nay, số lượng các ngân hàng trung ương giữ nguyên chính sách tiền tệ tăng lên 65% đã cho thấy sự chững lại của xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ. Mức độ tăng lãi suất năm nay cũng giảm mạnh từ 86 điểm cơ bản xuống còn 39 điểm cơ bản. Có thể thấy, sự chuyển hướng về chính sách tiền tệ ở khu vực châu Á diễn ra rất rõ ràng, theo ADB.

Trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc, dẫn đến rủi ro về thị trường vốn trong nước và tình trạng thiếu thanh khoản, đồng thời xuất hiện dư địa như lạm phát tăng nhưng có xu hướng giảm nhiệt cùng với sức ép về dự trữ ngoại hối, việc chuyển hướng dựa trên hành động của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia đánh giá hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, góp phần tạo nên bước đột phá thứ 2. 

Cuối cùng, theo ADB, nền kinh tế sẽ có thêm động lực thúc đẩy bởi sự mở cửa của Trung Quốc. Đầu năm nay, các chuyên gia đánh giá việc Trung Quốc mở cửa chỉ bắt đầu có tác động tích cực từ quý II. Trên thực tế, ngay trong quý I, tốc độ tăng trưởng đột biến đã thể hiện trên mọi lĩnh vực chủ đạo của Trung Quốc từ công nghiệp, xây dựng đến dịch vụ qua chỉ số quản lý thu mua (PMI). Yếu tố này đã hỗ trợ tăng trưởng cho nước ta về khía cạnh dịch vụ và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.

Một mặt, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và phục hồi xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ tạo áp lực cạnh tranh, thu hẹp thị phần của nước ta. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đây cũng cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong ngành nông nghiệp khi thị trường này chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau củ của Việt Nam.

Nhìn chung, ADB dự báo Việt Nam có thể đạt 6,5% tăng trưởng ở kịch bản tích cực theo Chính phủ đề ra với điều kiện Việt Nam khai thác được 3 đột phá về giải ngân đầu tư công, chuyển hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và tận dụng cơ hội nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mở cửa.

Chung nhận định trên, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho hay: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ chịu sức ép từ do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này”.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận