ABS: Doanh nghiệp xăng dầu sẽ được hưởng lợi nếu dự thảo nghị định mới được ban hành

Hồng Nhung 16:25 | 12/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Trung tâm Phân tích – Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) kỳ vọng Dự thảo Nghị định mới sẽ sớm được thông qua trong năm 2024. Nếu được thực thi, một số doanh nghiệp xăng dầu sẽ được hưởng lợi.

Một số quy định căn bản trong Dự thảo Nghị định mới trong kinh doanh xăng dầu

Trong báo cáo mới đây Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu  là rất cần thiết với nhiều nội dung đáng chú ý.

Về cơ chế điều hành xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường nhưng không được vượt quá giá bán tối đa được tính toán theo quy định dựa trên các yếu tố cố định.

Điều này giúp cơ quan quản lý không phải tính toán, công bố định kỳ các chi phí, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước; giúp cơ chế điều hành sát theo cơ chế thị trường, tăng tính cạnh tranh, minh bạch; giúp các thương nhân đầu mối đơn giản hóa việc tính toán các chi phí.

Điều kiện kinh doanh cũng theo hướng thắt chặt hơn khiến các rào cản gia nhập được nâng cao sẽ giúp loại bỏ các đơn vị không đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường, nâng cao vai trò của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đủ tiêu chuẩn, có quy mô, năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh cung ổn định và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Về hệ thống kinh doanh xăng dầu, Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau; sẽ giúp dễ dàng kiểm soát nguồn cung hơn, giảm chi phí trong khâu trung gian.

Mặt khác, liên quan đến vấn đề dự trữ xăng dầu, Dự thảo Nghị định tăng thời gian dự trữ xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ 20 ngày lên 30 ngày. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh nhưng không ảnh hưởng đến tương quan lợi thế cạnh tranh của các thương nhân đầu mối trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Về chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức, Dự thảo đưa ra 2 phương án như sau: Một, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức được quy định theo giá trị tuyệt đối, hiện trong khoảng 1.800-2.500 đồng/lít. Hai là chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức biến đổi theo tỷ lệ % theo biến động giá xăng dầu thế giới. Điều này giúp các thương nhân đầu mối chủ động điều chỉnh chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, tránh được những tác động từ sự biến động lớn của giá dầu thế giới.

Bàn về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Theo ABS, điều này sẽ giúp khắc phục được hạn chế hiện nay là chưa có quy định cụ thể về việc trường hợp như thế nào thì lập Quỹ, chi Quỹ để bình ổn giá.

 Sự cần thiết của việc ban hành Nghị định mới trong kinh doanh xăng dầu 

Theo ABS từ năm 2014 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật Giá, Luật Bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, còn có các thông tư hướng dẫn về việc hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và rất nhiều văn bản khác….

“Như vậy, Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung nên việc hợp nhất lại thành một Nghị định cùng với các nội dung mới để các chủ thể thuận lợi trong việc thực thi là cần thiết”, ABS khẳng định.

 Nguồn: ABS Research

Ngoài ra, dự thảo Nghị định về cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, giúp doanh nghiệp linh hoạt và tự chủ quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường.

ABS nhận định, hiện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện quá nhiều bước, thương nhân kinh doanh dầu không chủ động được trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân.

Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu căn cứ vào các yếu tố hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài dẫn tới chưa sát với thực tế… Không chỉ vậy, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu khác, đã tạo ra thị trường thứ cấp trong khâu phân phối trung gian làm tăng thêm chi phí trong khâu này, đồng thời, gây khó khăn cho công tác kiểm soát nguồn cung.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng thường xuyên, liên tục theo quy định hiện nay. Tuy nhiên,còn tồn tại những bất cấp và thiếu hợp lí. Do vậy, cần có cơ chế mới được thể hiện công khai, minh bạch để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo được và quyết định tự công bố giá theo quy định của pháp luật.

Mặc dù, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã triển khai thực hiện Cộng tác “số hóa” song vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa rõ ràng và đầy đủ.

“Do vậy, cần thúc đẩy thương nhân kinh doanh xăng dầu “số hóa”, một mặt nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác giúp cơ quan quản lý nhà nước điều hành thị trường xăng dầu được tốt hơn”, phía công ty này đề xuất.

Cuối cùng, những yếu tố từ bên ngoài như xung đột địa chính trị tại Trung Đông, Nga-Ukraine… dẫn tới giá dầu trên thị trường thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định, nguồn cung trở nên khan hiếm, chi phí vận tải biến động tăng cao… Vì vậy, theo ABS, nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu cần phải xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng với thực tiễn hiện nay cũng như trong tương lai.

Nguồn: Bộ Công thương, ABS Research

ABS kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Nghị định về hoạt động kinh doanh xăng dầu này.

“Nếu được thực thi, sẽ có một số doanh nghiệp như PLX, OIL. Đây là các thương nhân đầu mối xăng dầu lớn, có vị thế về thương hiệu, thị phần khi chiếm trên 70% thị phần phân phối xăng dầu toàn quốc, có lợi thế về quy mô, mạng lưới kênh phân phối rộng khắp cả nước, có kho chứa xăng dầu lớn, có năng lực và kinh nghiệm lâu năm trong kinh doanh xăng dầu…”, phía ABS dự báo.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận