9 tháng, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường nào thu về tỷ USD?
Trang Mai 10:17 | 01/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là các thị trường xuất khẩu thuỷ sản chính của Việt Nam 9 tháng đầu năm, với kim ngạch thu về lần lượt 1,2 tỷ USD, 1,15 tỷ USD và gần 1,1 tỷ USD.
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường đứng đầu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính riêng tháng 9, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua – ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6-12%.
Tính tới hết tháng 9, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu, xuất khẩu thủy sản sang các nước này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tới cuối tháng 9, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ…
Xuất khẩu cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23% so với cùng kỳ, đạt 623 triệu USD.
Xét về thị trường chủ lực, xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm sang 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Mỹ vẫn giữ vị thế số một với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong đạt 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%; Nhật Bản cũng đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 14%.
Theo VASEP, các thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV. Do vậy, nếu không có biến động khác và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về kim ngạch khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.
Chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, quyết tâm gỡ ‘thẻ vàng’ IUU
Khoảng 2 tuần nữa, Việt Nam sẽ đón tiếp Đoàn Thanh tra của Uỷ ban châu Âu lần 4 (dự kiến từ ngày 10 đến 18/10) để kiểm tra kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Trong đó, đoàn tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Tại Hội nghị trực tuyến chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã yêu cầu các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và kịch bản chi tiết đón đoàn EC theo các nội dung và yêu cầu được phân công. Thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC; tập trung triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Có biện pháp quyết liệt ngăn chặn, xử lý kịp thời, có kết quả tàu cá của tỉnh vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý tàu cá. Đảm bảo tất cả các tàu cá của tỉnh, thành phố phải được đăng kí cấp Giấy phép khai thác theo quy định và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu về đăng ký, cấp phép tàu cá của tỉnh, kết nối đồng bộ với cơ sở VNFISHBASE.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tổng hợp hồ sơ xử phạt triển khai Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, đặc biệt thực hiện nghiêm các quy định xử phạt đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nằm trong danh sách tàu cá IUU. Hồ sơ dữ liệu về thiết bị giám sát hành trình mất kết nối hoặc vượt ra ngoài ranh giới phải đảm bảo xử lý đến cùng, dễ truy cập. Đảm bảo hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản đầy đủ theo chuỗi từ khẩu kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng, thẩm định dữ liệu với cơ sở dữ liệu tàu cá, dữ liệu giám sát hành trình, danh sách tàu cá IUU, đến hồ sơ kiểm soát tại các doanh nghiệp xuất khẩu; đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận xuất sang thị trường EU.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu trên địa bàn các tỉnh phải đảm bảo hệ thống quản lý hồ sơ xuất khẩu có thể truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu và nguồn gốc nguyên liệu được khai thác từ Việt Nam. Duy trì vệ sinh sạch sẽ cảng cá, nước rửa sản phẩm khai thác phải là nước sạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; sản phẩm khai thác lên bến và hàng hóa tập kết xuống tàu phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.