4 nữ doanh nhân Việt Nam có sức ảnh hưởng trên thương trường

Trang Mai 06:21 | 08/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Không chỉ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nữ doanh nhân Việt Nam còn nổi lên mạnh mẽ và đa dạng trong các lĩnh vực kinh doanh, từ công nghệ, tài chính, thương mại điện tử đến công nghiệp thực phẩm và thời trang. Nhiều phụ nữ tài năng đã đặt dấu ấn riêng trong thế giới doanh nghiệp. Dưới đây là 4 nữ doanh nhân Việt Nam có sức ảnh hưởng trên thương trường do DNVN bình chọn.

1. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – “Bông hồng gai” ngành hàng không

Nữ doanh nhân quyền lực của châu Á năm 2019 theo bình chọn của Forbes được các đối tác miêu tả là người sắt đá, cứng rắn trên bàn đàm phán. Các thuộc cấp miêu tả bà là người “có khả năng làm việc phi thường,” có thể họp xuyên trưa, vừa ăn vừa làm việc hoặc làm việc với các thuộc cấp từ chiều tối đến nửa đêm. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet. Ảnh: Kinh tế Chứng khoán

Theo dữ liệu mới nhất của Forbes Việt Nam, với 3,1 tỷ USD, bà Thảo nằm trong nhóm 1.000 người giàu nhất hành tinh, với tài sản tập trung trong các lĩnh vực chính là hàng không, ngân hàng, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản dân dụng. 

Thuộc thế hệ doanh nhân trưởng thành từ lớp du học sinh tại Đông Âu, bà Thảo khởi nghiệp kinh doanh với các hoạt động thương mại ở thị trường quốc tế và kiếm được 1 triệu USD đầu tiên cách đây hơn 30 năm. Bà cùng người bạn đời, ông Nguyễn Thanh Hùng đầu tư về Việt Nam, sáng lập và điều hành Sovico Holdings, công ty tư nhân là cổ đông lớn tại Vietjet Air, HDBank, Phú Long… thuộc nhóm công ty phát triển nhanh, có vị thế cao trong lĩnh vực hàng không, tài chính và bất động sản.

Tại Việt Nam, tên tuổi bà Thảo gắn với vị trí Chủ tịch HĐQT Vietjet Air, hãng hàng không thành lập năm 2007 và cất cánh từ năm 2011. Nhưng khoản đầu tư quy mô đầu tiên của bà Thảo về Việt Nam là lĩnh vực ngân hàng. Bà là một trong các cổ đông sáng lập ngân hàng Quốc tế (VIB) năm 1996, sau này chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư khác, tăng sở hữu kiểm soát tại HDBank, ngân hàng bà đang ngồi ghế phó chủ tịch hội đồng thường trực.

2. Mai Kiều Liên – “Nữ tướng” ngành sữa

Sinh năm 1953 tại Pháp trong một gia đình trí thức, bà Mai Kiều Liên theo cha mẹ hồi hương theo lời kêu các trí thức người Việt trở về Việt Nam xây dựng đất nước. Lớn lên khi lựa chọn ngành nghề, bà Liên chọn nghiên cứu ngành sữa vì nghĩ sau ngày thống nhất sẽ giúp ích được cho đất nước khi cách đây 50–60 năm ngành công nghiệp sữa Việt Nam ở mức sơ khai gần như con số 0. Năm 1976, Vinamilk được thành lập từ việc sáp nhập nhà máy sữa Thống Nhất, Trường Thọ và nhà máy sữa bột Dielac.

 Bà Mai Kiều Liên trên bìa tạp chí Forbes Việt Nam năm 2022. Ảnh: Forbes

Gắn bó với Vinamilk ngay từ ngày thành lập, ngoài 46 năm gắn bó và hơn 30 năm ở cương vị Tổng Giám đốc, bà Liên là người tạo ra sự đột phá cho Vinamilk trở thành trường hợp điển hình, thành công nhất của công cuộc cổ phần hóa nhờ tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm, kinh doanh hiệu quả và góp phần thúc đẩy xã hội. Năm 2018, Forbes Việt Nam đã trao cho tổng giám đốc của Vinamilk giải thưởng Thành tựu trọn đời vì các đóng góp trong lĩnh vực kinh doanh.

Sức hút của Vinamilk đến từ vị thế nhiều năm liền có mặt trong danh sách thương hiệu quốc gia của Việt Nam, doanh thu nhiều năm liền đạt 5-60 nghìn tỷ, lợi nhuận trung bình 9-10 nghìn tỷ/năm trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Theo khảo sát và bình chọn của VNR, năm 2018,  Vinamilk giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường toàn quốc với khoảng 55% thị phần. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột. 

Một hướng đi quan trọng tạo động lực tăng trưởng cho Vinamilk những năm qua và cả giai đoạn tới là hoạt động xuất khẩu. Thông tin với Forbes Việt Nam, bà Liên kể đã giao cho các bộ phận liên quan khảo sát thị trường, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, hiểu các đối thủ cạnh tranh, lên chiến lược marketing và logistics để thử nghiệm ‘dội bom’ một thị trường quốc tế để “một sáng mai ra người tiêu dùng ở đó thức dậy thấy sản phẩm thương hiệu Vinamilk tràn ngập.” Từ thử nghiệm này Vinamilk sẽ làm bàn đạp công phá các thị trường tương tự.

3. Cao Thị Ngọc Dung – “Nữ tướng” vàng bạc, “linh hồn” của PNJ

Nhường ghế CEO PNJ từ tháng 3 năm 2018, thế nhưng “nữ tướng” Cao Thị Ngọc Dung vẫn giữ chức Chủ tịch CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) và là người làm nên “linh hồn” cho doanh nghiệp kim hoàn này. 

 “Nữ tướng” PNJ Cao Thị Ngọc Dung. Ảnh: PNJ

Năm 1988 bà thành lập cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý Phú Nhuận, tiền thân của PNJ hiện nay. 

Dưới sự điều hành của vị “thuyền trưởng”, PNJ đã phát triển vượt bậc từ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc nhỏ nằm tại quận Phú Nhuận, mà theo bà chia sẻ, vốn liếng lúc đầu chỉ 14 triệu đồng và 20 nhân viên. Hiện tại, bà Dung đang xếp vị thứ 52 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản lên đến 1.559 tỷ đồng.

4. Thái Hương – Người làm nên thương hiệu TH

Năm 1994, bà Thái Hương và một số cộng sự thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (Bac A Bank) với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Trong đó, bà nắm giữ vai trò Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của ngân hàng này. 

 Doanh nhân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH. Ảnh: TH

Năm 2008, khi xem bản tin về sự cố sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc, Thái Hương đã quyết định làm sữa tươi sạch với tiêu chuẩn quốc tế cho trẻ em Việt Nam. Năm 2009, bà thành lập Tập đoàn TH và khởi động dự án trang trại bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. 

Ngày 26/12/2010, Công ty Cổ phần Sữa TH giới thiệu ra thị trường sản phẩm sữa sạch mang tên TH True Milk. Thông qua đó, bà Thái Hương được coi là người phụ nữ đầu tiên đưa công nghệ sản xuất sữa tươi sạch vào Việt Nam.

Sau hơn 10 năm dưới bàn tay dìu dắt của bà Thái Hương, Tập đoàn TH đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Ngoài sản phẩm sữa TH True Milk được công nhận là “thương hiệu quốc gia” thì tập đoàn cũng sở hữu đàn bò sữa chăn nuôi lớn nhất châu Á, với 45.000 con đang được nuôi tại Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Theo VTV, tính đến năm 2021, thương hiệu TH True Milk chiếm 45% thị phần trong ngành hàng sữa nước tại Việt Nam và được coi là doanh nghiệp sữa tươi hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh nhãn hiệu sữa TH True Milk, tập đoàn TH còn kinh doanh các phân khúc đồ uống và thực phẩm khác như TH True Tea, TH True Nut, TH True Water, TH True Juice, TH True Rice.

Tính đến năm 2022, bà Thái Hương sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 718 tỷ đồng. 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận