12 DẤU ẤN KINH TẾ NĂM 2023
08:29 | 25/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Nền kinh tế sắp bước qua năm 2023 với sự đan xen hai gam màu sáng tối trong bức tranh vĩ mô. Dưới đây là 12 dấu ấn kinh tế nổi bật trong năm nay.
Nửa đầu năm 2023 kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, gần thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Kinh tế các nước đối tác thương mại chính gặp khó khăn khiến đơn hàng sụt giảm mạnh, xuất khẩu – động lực tăng trưởng chính nhiều năm qua cũng lần đầu tăng trưởng âm. Đỉnh điểm 4 tháng đầu năm, hơn 77.000 doanh nghiệp đã rời thị trường, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2022.
Từ quý III nền kinh tế bắt đầu có tín hiệu phục hồi tuy nhiên vẫn ở tốc độ chậm. Sản xuất công nghiệp hồi phục nhờ mức nền thấp và việc đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ sắp tới. Xuất khẩu đã tăng trưởng dương trở lại tuy nhiên tốc độ vẫn chậm ở một số ngành trọng yếu. Đáng chú ý, PMI vẫn chưa thể vượt lên trên ngưỡng 50 điểm.
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP năm nay chỉ tăng trên 5%, thấp hơn mức được Quốc hội giao, do nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có.
Tháng 8/2023, VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq tại Mỹ với mã niêm yết VFS. Ý tưởng đưa VinFast lên sàn được ban lãnh đạo nung nấu từ hai năm trước.
Sau hai lần lỡ hẹn vì tiêu chuẩn sổ sách và thời điểm IPO không thuận lợi, cuối cùng dưới sự hậu thuẫn về tài chính của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng tập đoàn Vingroup, VinFast đã chính thức trở thành hãng xe điện toàn cầu.
Việc hãng xe non trẻ của Việt Nam niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ đã tạo tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Đồng thời, mở ra cánh cửa huy động vốn ngoại khổng lồ.
Sau niêm yết, độ hào hứng với cái tên VinFast của các nhà đầu tư đã giúp cổ phiếu VFS cất cánh. Có thời điểm, vốn hoá VinFast chạm ngưỡng gần 200 tỷ USD, đưa công ty trở thành một trong ba hãng ô tô có giá trị lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau Tesla và Toyota.
Tại ngày 20/10, vốn hóa VinFast giảm còn 18,65 tỷ USD. Hãng xe của tỷ phú Vượng đang là một trong 4 nhà sản xuất ô tô điện có giá trị vốn hoá lớn nhất toàn cầu, xếp trên các tên tuổi như Nio, Xpeng đến từ Trung Quốc.
Đạt được nhiều cột mốc quan trọng, song con đường tới điểm hoà vốn của VinFast vẫn còn ở phía trước.
Trong năm, VinFast bán hơn 20.000 xe điện. Thị trường chính vẫn đang ở Việt Nam. Kinh doanh tại Bắc Mỹ từ tháng 3, tổng cộng hơn 2.000 ô tô điện thương hiệu VinFast đã được giao đến tay người tiêu dùng.
VinFast cũng đang xúc tiến xuất khẩu 3.000 ô tô điện sang châu Âu, đưa EU trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng.
Kể từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ và các bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt nhằm khôi phục thị trường bất động sản. Theo đó, đã có 4 hội nghị lớn được tổ chức, 6 công điện, một nghị quyết và hàng chục chỉ đạo được ban hành liên tục nhằm tìm hướng giải quyết những khó khăn trên thị trường.
Đơn cử như quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án và 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách tích cực đã được ban hành như Nghị định 08 và Dự thảo Thông tư 16 (sửa đổi) gỡ khó cho thị trường trái phiếu; Nghị quyết 33 thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững; Nghị định 10 về hướng dẫn thi hành Luật đất đai, tháo gỡ cho bất động sản nghỉ dưỡng…
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và Thông tư 03 cho phép nới một số điều kiện đầu tư, cho vay, mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Song song với đó, Thông tư 10 ra đời nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp…
Trước những ộng thái của Chính phủ, ngành địa ốc tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tránh được sự đổ vỡ dây chuyền như nhiều lo ngại trước đó, nhưng vẫn chưa thoát khỏi những áp lực tài chính do vay mượn quá nhiều. Bên cạnh khó khăn về vốn, pháp lý được cho là nút thắt lớn nhất “níu chân” thị trường bất động sản.
Theo giới chuyên môn, để bất động sản có thể tiến tới thời kỳ tăng trưởng và phát triển bền vững, cần các giải pháp hiệu quả hơn và sự chung tay quyết liệt hơn nữa từ phía Chính phủ cũng như các chủ đầu tư, ngân hàng.
Thị trường chứng khoán bước vào năm 2023 với diễn biến đầy bất ngờ. Việc giá cổ phiếu bị chiết khấu sâu trong quý cuối năm ngoái kích hoạt dòng tiền nhà đầu tư tham gia bắt đáy, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là Đài Loan.
Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục giải ngân khoảng 66 triệu USD trong quý đầu năm sau khi mua vào với quy mô gấp 4 lần trong ba tháng trước đó.
Thông tin gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp giúp cổ phiếu bất động sản tăng gấp nhiều lần từ vùng đáy. Những đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư.
Ngoài ra, những nhóm cổ phiếu như chứng khoán, vật liệu xây dựng còn nổi sóng nhờ thông tin vận hành hệ thống KRX và nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
Trong tháng 7, VN-Index tăng hơn 9%, Việt Nam lọt top 5 thị trường tăng mạnh nhất thế giới. Sự lình xình của thị trường bắt đầu từ tháng 8, VN-Index chao lượn trong vùng điểm 1.100 – 1.200 điểm khi thiếu vắng nhóm cổ phiếu dẫn dắt và áp lực bán ròng từ khối ngoại.
Xu hướng rút ròng bắt đầu từ tháng 4 và gia tăng dần về cuối năm với tổng giá trị gần 28.400 tỷ đồng tính đến ngày 18/12. Lũy kế kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 21.400 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
VN-Index chỉ tăng 8,4% so với đầu năm, song nhà đầu tư chứng khoán vẫn có cơ hội hái “quả ngọt” khi cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng trên diện rộng. Trong khi đó, chỉ số không cải thiện nhiều khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm ngân hàng và VN30 vẫn tăng, thậm chí giảm mạnh so với đầu năm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vào Việt Nam cao kỷ lục là một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế năm 2023.
Tính đến ngày 20/11/2023, vốn đầu tư FDI thực hiện ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là số cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Trong đó, FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 16,67 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 82,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,21 tỷ USD, chiếm 6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 982,6 triệu USD, chiếm 4,9%.
Dòng vốn giải ngân FDI cùng với vốn đầu tư công ở mức cao phần nào bù đắp sự thiếu hụt của vốn đầu tư tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2023 cũng được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng gặp khó khăn, đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là lĩnh vực có thể chủ động thúc đẩy để tháo gỡ khó khăn.
Năm nay, kế hoạch vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 711.700 tỷ đồng, là con số kỷ lục từ trước đến nay, tăng hơn 130.000 tỷ so với 2022 và 250.000 tỷ đồng so với 2021. Ngay từ đầu năm Thủ tướng nêu mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn giải ngân đến hết tháng 11 là gần 461.000 tỷ đồng, tức hơn 65% kế hoạch Thủ tướng giao. Mức này cao hơn khoảng 122.600 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022.
Với khả năng có thể giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công năm 2023 (khoảng hơn 676.000 tỷ đồng), năm nay sẽ là năm giải ngân đầu tư công cao nhất từ trước đến nay.
Bộ Công Thương cho biết năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu ước đạt 30 tỷ USD, gấp gần 3 lần 2022. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu.
Con số xuất siêu 30 tỷ USD đã vượt kỷ lục xuất siêu 19,9 tỷ USD từng thiết lập vào năm 2020. Tuy nhiên, đây chưa thực sự là điều đáng mừng khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có chung xu hướng giảm trong năm.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 giảm 6,5% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm gần 5%, trong khi nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD, giảm 8,5%.
Kim ngạch nhập khẩu còn giảm sâu hơn xuất khẩu, điều này phản ánh về thực trạng đơn hàng giảm, nhu cầu với nhóm nguyên liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng đi xuống.
Ngày 10/9, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam – Mỹ đã thông nhất nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững.
Đây là sự kiện quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế – xã hội, mang lại nhiều lợi ích lớn cho hai nước, tạo ra “hành lang rộng mở” cho hợp tác kinh tế của hai nước và được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng mới trong đầu tư FDI vào Việt Nam.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện bao gồm 10 trụ cột, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác trong quan hệ hai nước. Điều đó cho thấy, hợp tác hai nước không chỉ được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu và thực chất hơn; không chỉ trên bình diện hợp tác song phương mà trong các vấn đề khu vực và ở tầm toàn cầu.
Sau sự kiện lịch sử này, hàng loạt dự án trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ, hàng không được ký kết như: Công ty bán dẫn Amkor có trụ sở ở bang Arizona dự kiến sẽ khánh thành nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh; Boeing và Vietnam Airlines dự kiến sẽ ký thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing 737 MAX; Microsoft và Trusting Social công bố thỏa thuận để phát triển một giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh phục vụ Việt Nam và các thị trường mới nổi hay Nvidia hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai công nghệ AI cho các ngành như dịch vụ đám mây, ô tô và y tế.
2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Sầu riêng đã chính thức soán ngôi thanh long và sẽ trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất, đóng góp khoảng 43% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng.
10 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2 tỷ USD, gấp 7 lần cùng kỳ năm 2022, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều sầu riêng Việt Nam nhất, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam, kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD, gấp 30 lần cùng kỳ năm 2022.
Hiện, Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2023, chỉ đứng sau Thái Lan với 69%.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục 2,2 – 2,3 tỷ USD.
Giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt tăng mạnh, thiết lập ngưỡng kỷ lục mới những ngày cuối năm 2023. Giá vàng thế giới chạm mốc 2.100 USD/ounce còn vàng SJC vượt 75 triệu đồng/lượng.
Trước đó, giá vàng SJC đi ngang trong biên độ 66 – 68 triệu đồng/lượng, kéo dài từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023. Đà tăng giá vàng thực sự được kích hoạt từ tháng 10 theo thị trường thế giới.
Những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu, đi kèm với lạm phát leo thang ở những nền kinh tế lớn đã đẩy nhu cầu vàng tăng cao. Ngoài ra, việc thị trường kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ vọng cuối năm và dần giảm lãi suất vào năm tới khiến đồng bạc xanh yếu đi.
Điều này đồng nghĩa với việc mua kim loại quý sẽ rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, khiến giá vàng thế giới tăng mạnh, đặc biệt là những tháng cuối năm, kéo theo giá vàng SJC cũng tăng.
Giới chuyên gia cho rằng giá vàng SJC và vàng thế giới sẽ tạo mặt bằng mới sau đợt tăng này. Theo đó, sau khi giá vàng tăng mạnh thì rất khó để điều chỉnh sâu, trừ khi nếu có can thiệp rất mạnh vào yếu tố cung- cầu.
Theo dự báo, giá vàng SJC sẽ duy trì trên mốc 70 triệu đồng/lượng, còn với vàng thế giới mặt bằng giá mới sẽ trong biên độ 1.800 – 2.300 USD/ounce. Thậm chí giá vàng có thể chinh phục các đỉnh mới trong năm 2024 nhờ việc thị trường kỳ vọng lãi suất giảm và đồng USD yếu đi.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, cuộc cạnh tranh huy động giữa các ngân hàng đã kéo lãi suất tiền gửi tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Theo đó, lãi suất cho vay cũng tăng cao khiến các doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí vốn.
Đi ngược với thế giới, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời làm việc với các TCTD để đề nghị giảm chi phí, giảm lãi suất huy động, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Kể từ cuối tháng 2, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm. Theo số liệu từ NHNN, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 2,0 điểm % so với cuối năm 2022.
Tính đến hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, dao động từ 4,78% đến 5,29%/năm, thấp hơn cả giai đoạn trong dịch COVID-19. Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhóm ngân hàng nước ngoài giảm về 2,8%/năm, thấp hơn 50 điểm cơ bản so với giai đoạn 2021.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm chạm mức đáy lịch sử (0,14%) vào cuối tháng 11 và hiện tại dao động ở ngưỡng 0,15%/năm.
Phát triển ngành bán dẫn được kỳ vọng nhiều sau khi Việt Nam – Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong tuyên bố chung, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã ký hợp tác với một số tập đoàn Mỹ về thúc đẩy năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm và đào tạo nhân lực sản xuất chip bán dẫn.
Mới đây, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia, ông lớn bán dẫn của Mỹ, đã tới thăm và bày tỏ mong muốn xây dựng cứ điểm của tập đoàn tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút nhân tài.
Không chỉ Mỹ, các tập đoàn lớn về lĩnh vực điện tử, công nghệ và bán dẫn Nhật Bản như SBI Holdings, Renesas Electronic cũng cho rằng Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng của quá trình mở rộng đầu tư nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn.
Để phát triển ngành công nghệ bán dẫn và nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn, trong đó có ưu tiên về thuế, đất đai, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Các chính sách ưu đãi hiện có vẫn được tiếp tục triển khai.
Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng chính sách để phát triển nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực bán dẫn, chẳng hạn cách để chuyển đổi 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin hiện nay để họ trở thành 1 triệu kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.