“Đi hai chân”, hàng Việt in dấu thị trường trong nước và quốc tế

Nhờ chiến lược “đi bằng hai chân” vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa khai thác tốt thị trường nội địa, hàng Việt ngày càng khẳng định được vị thế trên sân nhà và trên trường quốc tế.

Tăng độ phủ sóng trên sân nhà

Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen vừa công bố kết quả khảo sát thị trường Việt Nam hậu Covidi-19 trong đó nêu rõ, sau dịch Covid-19 có đến 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa. Nguyên nhân là bởi hàng Việt chất lượng không kém hàng ngoại, nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, giá bán hợp lý… nhờ đó tỷ lệ hàng hóa Việt Nam tại hệ thống phân phối đang ngày càng tăng lên.

Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm Việt tại “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022”.
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm Việt tại “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022”.

Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện ở các hệ thống siêu thị trong nước, hàng Việt luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Cụ thể siêu thị Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (63%), riêng hệ thống chợ truyền thống, hàng Việt đã có mặt đến từng thôn, bản, làng xã, chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu chia sẻ, nếu 10 năm trước đây người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may mặc do nước ngoài sản xuất, thì hiện đa phần người tiêu dùng chuyển sang dùng hàng may mặc Việt Nam bởi chất lượng không thua hàng ngoại, giá bán rẻ hơn hàng nhập khẩu.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho biết, để thu hút người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nội, thời gian qua, doanh nghiệp đã đẩy mạnh cải thiện kiểu dáng, mầu sắc phù hợp nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Việt.

Phân tích nguyên nhân hàng Việt chinh phục được người tiêu dùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, thời gian gần đây, những DN lâu nay vốn hướng đến hoạt động xuất khẩu nay đã bắt đầu chú trọng khai thác thị trường trong nước bằng việc đưa ra sản phẩm đạt chuẩn quốc tế như EU, Nhật Bản, Mỹ. Đồng thời, phát triển mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước, qua đó đưa sản phẩm Việt tiếp cận người tiêu dùng.

“Hiện hệ thống siêu thị Co.op Mart mở hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm” – bà Lê Việt Nga nêu ví dụ.

Đưa hàng Việt ra thế giới thông qua Việt kiều

Hiện nay có trên 5 triệu kiều bào Việt Nam sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là một cầu nối quan trọng giúp đưa các thương hiệu Việt Nam tiếp cận sâu, rộng hơn với thị trường quốc tế.

Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) bầy bán tại chợ Footscray (Úc)
Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) bầy bán tại chợ Footscray (Úc)

 

Chia sẻ tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 vừa được Bộ Công Thương tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam nêu rõ, doanh nhân Việt kiều là người nắm vững được thị trường, luật pháp nước sở tại nên biết cách thức giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ nước ngoài.

“Điều này thể hiện sự kết nối giữa doanh nhân Việt kiều với DN trong nước, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín do người Việt mình làm, người Việt quảng bá thương hiệu Việt” – ông Ngô Hướng Nam nêu rõ.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Thụy Điển Diệp Văn Tỷ cho hay, những năm gần đây sản phẩm nông sản Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng. Nhằm giúp hàng Việt Nam hiện diện tại thị trường Bắc Âu, Hội đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm hàng Việt Nam tại TP Malmo (Thụy Điển), qua đó nhập khẩu hàng Việt Nam số lượng lớn để đưa vào hệ thống bán lẻ khu vực Bắc Âu.

Dưới góc độ DN, Chủ tịch Tập đoàn Tamda Foods tại Cộng hòa Czech Hoàng Đình Toàn cho biết, hệ thống bán lẻ Tamda Foods mong muốn tiếp tục hợp tác với DN trong nước đưa sản phẩm Việt Nam sang châu Âu tiêu thụ. “DN sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu, qua đó làm cầu nối giữa DN trong nước với các DN bán lẻ châu Âu” – ông Hoàng Đình Toàn khẳng định.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thiết thực hơn, ngoài chú trọng về hàng hóa, cuộc vận động cần quan tâm cả những sản phẩm dịch vụ, công nghệ, các sản phẩm vi vật chất, sản phẩm trí tuệ. Để làm được điều này đòi hỏi các bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi phát triển kinh tế.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Đỗ Tuệ Tâm

Nhìn nhận hoạt động kết nối giữa DN Việt kiều với DN trong nước, chuyên gia thương hiệu, thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam Nguyễn Quốc Thịnh nêu rõ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần vào quá trình xây dựng thương hiệu Việt, đặc biệt là đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Điều này đã được kiểm chứng khi nhiều mặt hàng nông sản Việt đến được thị trường nước ngoài nhờ cộng đồng doanh nhân Việt kiều, qua đây các DN Việt Nam học tập kinh nghiệm quản lý, xây dựng thương hiệu.

Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu Hoàng Mạnh Huê nêu rõ, trong thời gian qua, mặc dù DN Việt Nam quy mô lớn đã đưa hàng Việt xâm nhập thị trường châu Âu, Mỹ, Úc… Tuy nhiên, với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam lại không hề dễ dàng bởi thiếu kinh phí marketing, giới thiệu sản phẩm.. “Trong thời gian tới các DN Việt Nam nên đẩy mạnh liên kết với DN Việt kiều trong việc quảng bá sản phẩm Việt, qua đó có thể giảm chi phí, tăng cơ hội thâm nhập thị trường nước sở tại” – ông Hoàng Mạnh Huê hiến kế.

Nhằm hỗ trợ DN Việt Nam quảng bá, tiêu thụ hàng Việt tại nước ngoài thông qua DN Việt kiều, Thủ tướng đã ký quyết định số 1797/QĐ-TTG phê duyệt đề án Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến hết năm 2024. 

Theo đó, Bộ Công Thương, Ngoại giao, KH&ĐT và các địa phương thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối DN trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt. Phối hợp với các tập đoàn bán buôn bán lẻ lớn quốc tế đang đầu tư ở Việt Nam đưa sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt thâm nhập mạng lưới hệ thống phân phối nước sở tại. Qua đó góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt tại thị trường trọng điểm như Mỹ, Nga, Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận